Dự thảo luật đề xuất xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tăng gấp 20 lần
Cho ý kiến cụ thể vào nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, một số đại biểu cho rằng, tại khoản 2 Điều 60 quy định mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 1 tỉ đồng đối với cá nhân, 2 tỉ đồng đối với tổ chức và thời hiệu xử phạt là 5 năm là chưa phù hợp…
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 7/11.
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8, ngày 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng, mức phạt tiền tối đa dự thảo đưa ra so với mức phạt tối đa mà Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tăng gấp 20 lần là chưa phù hợp.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) phát biểu thảo luận,
Dẫn quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tối đa 1 tỉ đồng chỉ được áp dụng đối với vi phạm trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa, quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, thủy sản; đồng thời, thời hiệu xử phạt dự thảo đưa ra là 5 năm, trong khi quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực về kiểm toán và kế toán được điều chỉnh chung bằng Nghị định 41/2018/NĐ-CP bởi hai lĩnh vực này có tính chất khá tương đồng.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
“Nếu điều chỉnh tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với kiểm toán thì có đặt ra vấn đề điều chỉnh tăng trong lĩnh vực kế toán hay không? Việc nâng mức phạt trong lĩnh vực kiểm toán lên gần với lĩnh vực có mức phạt cao nhất là chứng khoán liệu đã là hợp lý chưa nếu so sánh với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm?” – đại biểu Thái Thị An Chung phân tích.
Bên cạnh đó, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức và tới hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu giao dịch cũng như nhà đầu tư. Trong khi đó, vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán ảnh hưởng gián tiếp, có độ trễ và phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn rất nhiều.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu.
Giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu , Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề vi phạm thuộc 2 việc, nếu vi phạm Bộ luật Hình sự thì đương nhiên phải bị khởi tố hình sự, còn chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng hành vi đó nguy hiểm hay tạo điều kiện để một số người, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục hành vi đó gây thiệt hại hoặc gây ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế – xã hội thì phải phạt ở mức cao để có tính chất răn đe.
“Nếu như luật cũ thì rõ ràng không có tính chất răn đe nên chúng tôi trình Quốc hội với lĩnh vực đặc thù này nếu thao túng thị trường chứng khoán, gian lận trong thị trường chứng khoán, gian lận trong phát hành trái phiếu, nếu chưa đủ yếu tố để cấu thành tội hình sự thì phải phạt nặng, mở thời gian kiểm tra ra không phải 2 năm, khi đã kiểm tra, phát hiện ra thì quá mất thời hiệu, cho nên chúng tôi phải mở thời hiệu ra là 5 năm” – Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Minh Khôi
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận