EU tính xoay luật để siết dòng dầu Nga chảy vào thị trường
Ủy ban châu Âu được cho là đang tìm kiếm một số phương án pháp lý phù hợp cấm các công ty EU nhập khẩu thêm LNG từ Nga để chấm dứt tình cảnh phụ thuộc.
EU đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga vào năm 2027. Ảnh: Xinhua
Reuters ngày 22.4 đưa tin, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đang đánh giá khả năng ban hành luật nhằm cấm các doanh nghiệp trong khối ký kết hợp đồng mới mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga.
Đồng thời, EC cũng đang nghiên cứu các phương án pháp lý phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng khí đốt hiện có với Nga mà không bị phạt, chẳng hạn bằng cách viện dẫn điều khoản “bất khả kháng”.
Những đề xuất cụ thể dự kiến sẽ được trình bày trong bản kế hoạch vào ngày 6.5. Sau đó, EC sẽ tổ chức tham vấn với các quốc gia thành viên và đại diện doanh nghiệp.
Nếu EC quyết định tiến hành các biện pháp này, các đề xuất có thể được chuyển thành dự luật và cần được Nghị viện châu Âu cùng đa số các nước thành viên thông qua, tùy theo hình thức pháp lý được lựa chọn.
Đây được xem là bước đi mới trong nỗ lực của EU nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga – một mục tiêu ngày càng gặp nhiều trở ngại khi một số quốc gia thành viên tuyên bố sẽ phản đối mọi kế hoạch mở rộng trừng phạt khí đốt đối với Mátxcơva.
Mặc dù lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống từ Nga sang EU đã giảm đáng kể sau khi xung đột Nga – Ukraina bùng phát vào năm 2022, khối này lại tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga từ năm 2023. Riêng trong năm 2024, Nga vẫn cung cấp khoảng 19% tổng nhu cầu khí đốt và LNG của toàn EU.
Lệnh cấm ký hợp đồng mới, nếu được triển khai, chủ yếu nhắm vào hoạt động mua LNG của Nga trên thị trường giao ngay, nơi giao dịch thường linh hoạt và không có cam kết dài hạn như các hợp đồng truyền thống.
Ủy ban châu Âu nhấn mạnh rằng bất kỳ biện pháp hạn chế nào với năng lượng Nga đều cần được cân nhắc kỹ, bảo đảm gây tổn thất lớn hơn cho Mátxcơva so với EU, đồng thời không ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lượng hay đẩy giá cả tại châu Âu lên cao.
Trước đó, theo Bloomberg, EC cũng được cho là đang tìm cách gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga mà không cần sự đồng thuận tuyệt đối từ toàn bộ 27 quốc gia thành viên.
Kế hoạch này có mục đích chính nhằm vượt qua sự phản đối của Hungary – nước vẫn giữ lập trường thân Nga. Hiện các lệnh trừng phạt cần được gia hạn định kỳ 6 tháng/lần, với lần kế tiếp dự kiến vào tháng 7 tới.
Nếu việc gia hạn diễn ra suôn sẻ, EU cũng sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp then chốt khác như đóng băng gần 200 tỉ euro (tương đương 227 tỉ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, cũng như các lệnh trừng phạt nhắm vào hàng trăm cá nhân, tổ chức và tàu thuyền bị cáo buộc hỗ trợ chiến dịch quân sự của Mátxcơva tại Ukraina.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận