Gia tăng mức xử phạt vi phạm: chặn cửa “làm liều” của doanh nghiệp bất động sản
Mặc dù chế tài xử phạt hành chính những DN kinh doanh bất động sản (BĐS) đã được quy định đầy đủ, tuy nhiên mức xử phạt chưa tương xứng với lợi nhuận thu được khi sai phạm. Do đó, nhiều DN sẵn sàng “lách luật” để tư lợi, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng.
Chiêu trò vi phạm tinh vi
Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển nóng của thị trường BĐS do nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân tăng cao, tình trạng tội phạm lừa đảo cũng gia tăng với nhiều chiêu trò và thủ đoạn tinh vi khiến cho không ít người dân và nhà đầu tư bị “sập bẫy”. Từ những chiêu thức tưởng chừng đã được các đối tượng phạm tội lặp đi lặp lại, như: chiếm dụng tiền đặt cọc; giả ngân hàng thanh lý nhà đất; mạo danh chính quyền, chủ đầu tư lừa bán đất; giả khách mua để đánh tráo sổ đỏ; một lô đất bán cho nhiều người; lừa đảo bán nhà đất qua vi bằng hay vẽ và bán “dự án ma”…
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giới thiệu đến khách hàng một dự án ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Song do thiếu kiến thức về pháp luật, đồng thời cũng do lòng tham của một số người “ham của tốt giá rẻ” nên các đối tượng đã dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội của mình một cách liên tục, nhiều lúc, nhiều nơi. Khi cơ quan điều tra vào cuộc đưa ra ánh sáng thì hàng nghìn người dân đã bị rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”, dẫn đến tình trạng kiện tụng, tranh chấp không ngừng. Đáng quan ngại những hành vi lừa đảo lại được thực hiện một cách công khai trên các trang mạng thông tin, mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bị rơi vào bẫy.
Còn nhớ vào tháng 9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hồ Chí Minh) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giữ đối với tập thể lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án lớn nhất liên quan đến DN kinh doanh BĐS vẽ “dự án ma” để lừa tiền của người dân, với hơn 4.000 khách hàng bị rơi vào bẫy, cùng tổng số tiền lừa đảo, chiếm đoạt lên tới gần 2.400 tỷ đồng. Những tưởng sau “cú sốc” này, người dân sẽ tỉnh táo hơn, nhưng từ đó đến nay cũng vẫn với những chiêu trò như thế, mặc dù với quy mô nhỏ hơn so với Công ty Alibaba nhưng hàng nghìn người dân tiếp tục bị mắc lừa.
Theo luật sư Trịnh Hữu Đức (Hội luật gia Việt Nam), thời gian qua tình trạng che giấu thông tin về các sản phẩm nhà đất của phía chủ đầu tư, DN môi giới BĐS hay việc vẽ “dự án ma” diễn ra hết sức phức tạp, do sự lỏng lẻo trong các quy định của hệ thống pháp lý. Bên cạnh đó, mức chế tài xử phạt hành chính đối với những DN kinh doanh BĐS vi phạm việc công khai thông tin về sản phẩm nhà, đất dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.
“Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định từ 100 – 120 triệu đồng. Theo đánh giá thì mức xử phạt này vẫn còn quá thấp so với lợi nhuận chênh lệch từ sai phạm mà DN thu được, nên việc nhiều chủ đầu tư hoặc DN kinh doanh, môi giới BĐS lợi dụng “lách luật” hoặc cố tình vi phạm vẫn diễn ra và cuối cùng thì người dân phải chịu thiệt hại” – luật sư Trịnh Hữu Đức nhìn nhận.
Đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ số
Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải, để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước và siết chặt chế tài đối với đối với hoạt động kinh doanh BĐS, xây dựng, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ tăng cao hơn, ở mức từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, áp dụng cao nhất cho 4 hành vi: chủ đầu tư không công khai thông tin thế chấp nhà ở; công trình xây dựng; phần diện tích sàn trong công trình; quyền sử dụng đất của dự án BĐS đưa vào kinh doanh…;
Mức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng sẽ tăng lên từ 300 – 400 triệu đồng đối với DN kinh doanh BĐS có hành vi không công khai hoặc công khai thiếu chính xác, thiếu trung thực các thông tin về BĐS, dự án BĐS trước khi đưa vào kinh doanh hoặc không cập nhật thông tin thay đổi theo quy định. Tương tự, hành vi kinh doanh BĐS không bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định cũng được đề xuất tăng mức phạt tiền từ 600 triệu đồng lên tối đa 1 tỷ đồng.
“Đồng thời, với những hành vi vi phạm đều có hình thức xử phạt bổ sung như: đình chỉ kinh doanh hoặc đình chỉ kinh doanh có thời hạn; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc công khai thông tin theo quy định, lập lại hợp đồng gắn với quyền sử dụng đất, trả lại cho bên mua các loại phí, khoản tiền liên quan đến kinh doanh BĐS. Hay buộc hoàn trả phần tiền đặt cọc vượt quy định, buộc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định… để bảo đảm tính răn đe, hạn chế hậu quả của hành vi vi phạm gây ra” – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải cho hay.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, việc cơ quan quản lý Nhà nước đề xuất nâng cao mức xử phạt vi phạm đối với chủ đầu tư hay DN kinh doanh, môi giới BĐS là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao để người dân có thể nắm bắt một cách chính xác thông tin về những sản phẩm BĐS, liên quan đến vấn đề về pháp lý: dự án đã được mở bán chưa, có tuân thủ đúng quy trình, giấy phép xây dựng, kinh doanh BĐS không? Hay chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính để đáp ứng tiến độ bàn giao theo cam kết, đủ điều kiện hoạt động, kinh doanh không?…
“Để làm được điều đó, giải pháp quan trọng nhất là xây dựng các thông tin chính xác về thị trường BĐS tích hợp với hệ thống thông tin quốc gia, thông qua việc ứng dụng và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS. Nhà nước cần có một cơ chế thống nhất với sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan quản lý, DN, tổ chức xã hội nghề nghiệp và có chế tài bắt buộc phải triển khai thực hiện cung cấp thông tin để cập nhật thường xuyên. Qua đó, giúp người dân, nhà đầu tư có thể dễ dàng tra cứu thông tin khi quyết định giao dịch một sản phẩm BĐS nào đó trên phạm vi cả nước, như vậy sẽ ngăn chặn được những hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi” – TS Nguyễn Văn Đính nêu quan điểm.
Các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về kinh doanh BĐS, Chính phủ cũng cần quan tâm hơn đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ, đẩy nhanh quá trình số hóa ngành BĐS. Bởi đây chính là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và DN kinh doanh BĐS chân chính.
Thị trường BĐS đang yêu cầu ngày càng phải phát triển theo hướng lành mạnh, minh bạch, bền vững. Vì vậy, việc ứng dụng và chuyển đổi công nghệ số trong quản lý và kinh doanh BĐS là vấn đề cấp thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Đồng thời từng bước nâng cao giá trị, định hướng của các DN chân chính theo hướng chuyên nghiệp hơn, tiến tới chấm dứt những tiêu cực trong hoạt động kinh doanh BĐS.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Phạm Lâm
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận