Giải ngân đầu tư công tăng tốc nhưng vẫn cách xa kế hoạch năm
Giải ngân đầu tư công đến hết tháng 5.2025 ước đạt hơn 209.600 tỉ đồng, tương đương 21,9% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tiến độ giải ngân đầu tư công tháng 5 cải thiện nhưng vẫn cách xa kế hoạch cả năm. Ảnh: Anh Tú
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 được Quốc hội thông qua là hơn 829.000 tỉ đồng. Sau khi loại trừ phần vốn chưa giao, Thủ tướng đã phân bổ khoảng 825.900 tỉ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương còn tự cân đối và giao tăng thêm hơn 73.600 tỉ đồng, cùng với khoảng 57.300 tỉ đồng vốn từ các năm trước được kéo dài sang năm nay. Như vậy, tổng kế hoạch vốn năm 2025 lên tới gần 957.000 tỉ đồng.
Tính đến ngày 23.5.2025, các đơn vị đã phân bổ gần 891.500 tỉ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng giao nếu không tính phần vốn tăng thêm của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn 39 đơn vị (19 bộ, 20 địa phương) chưa phân bổ hết vốn, với tổng số hơn 8.000 tỉ đồng – chủ yếu do chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án hoặc chưa thu được nguồn thu sử dụng đất.
Về tiến độ giải ngân, lũy kế đến hết tháng 5.2025, cả nước đã giải ngân khoảng 209.670 tỉ đồng, đạt 21,9% kế hoạch. Tỉ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 20,3%), cho thấy tín hiệu tăng tốc trong tháng 5 sau giai đoạn chậm trễ đầu năm. Tuy vậy, vốn ngân sách trung ương mới đạt 19,6%, vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Một số bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân tốt trên 30% như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,43%); Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%); Ngân hàng Chính sách xã hội (41,2%); Bộ Công an (40,5%).
Các địa phương giải ngân tốt trên 40% như: Phú Thọ (62,7%); Thanh Hóa (57,8%); Lào Cai (51,8%), Thái Nguyên (51%); Nam Định (50,4%); Hà Giang (48,8%); Hà Tĩnh (48,7%); Hà Nam (45,3%); Ninh Bình (45,1%); Bà Rịa – Vũng Tàu (42,6%), Huế (41,2%).
Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp dưới 10% (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam,…).
Đáng chú ý, có 7 địa phương giải ngân dưới 15% như: Lai Châu, Bình Phước, Bình Dương, Cao Bằng, Đồng Nai, Phú Yên, Bến Tre. Chính phủ đã cho phép 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương tiếp tục giải ngân khoảng 43.800 tỉ đồng phân bổ sau ngày 15.3. Đồng thời, Bộ Tài chính đang tổng hợp, đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn đối với phần vốn chưa được phép tiếp tục thực hiện.
Bộ Tài chính cho rằng để đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương xử lý các tồn tại trong quá trình tổ chức lại đơn vị hành chính, tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia, tập trung thu ngân sách địa phương và hoàn tất giải ngân vốn được phép kéo dài từ năm trước.
Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể theo từng tháng, quý, và kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án chậm giải ngân, điều chuyển sang các dự án cấp bách có khả năng thực hiện hiệu quả. Những đơn vị đã đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch cũng phải nâng cao quyết tâm chính trị, phát huy vai trò người đứng đầu để đảm bảo không làm ảnh hưởng tới kết quả chung trong năm 2025.
Lục Giang
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận