Giải pháp nào để thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán?
Bà Hồ Thúy Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng cho rằng, để thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cần một chiến lược tổng thể và dài hạn, từ cải thiện môi trường đầu tư đến phát triển hạ tầng và tăng cường tính minh bạch. Tuy nhiên, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2025 cùng với những giải pháp nêu trên sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tài chính.
Bà Hồ Thúy Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng
Lý giải nguyên nhân vì sao khối ngoại vẫn bán ròng trong thời gian gần đây, bà Hồ Thúy Ái cho rằng, dù lãi suất của Mỹ đã giảm dần nhưng vẫn ở mức cao và thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể mang lại lợi nhuận cao hơn các thị trường quốc tế. “Lợi nhuận của thị trường chứng khoán Việt Nam không thể theo kịp thị trường chứng khoán quốc tế, bởi các cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam không hưởng lợi từ các xu hướng nóng như cổ phiếu AI (trí tuệ nhân tạo) đang thu hút mạnh dòng vốn toàn cầu”, bà Ái giải thích.
Hơn nữa, trong những năm qua, số lượng các đợt IPO tại Việt Nam còn hạn chế khiến thị trường thiếu sự đa dạng trong các cơ hội đầu tư. Điều này đã tạo nên một thị trường tương đối trầm lắng khi các nhà đầu tư không tìm thấy những cổ phiếu hấp dẫn để rót vốn. Đặc biệt, khi sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu tập trung vào cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là AI thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã không thể tận dụng được cơ hội này.
Ngoài ra, cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam cũng góp phần giải thích tình hình này. Ba ngành chính: tài chính, bất động sản và tiêu dùng chiếm tới 3/4 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là phần mềm lại chiếm chưa đến 4%. Điều này khiến thị trường thiếu đi các mục tiêu đầu tư hấp dẫn cho khối ngoại, khi mà các cổ phiếu trong nhóm công nghệ đang có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường khác.
Khi được hỏi về dòng tiền toàn cầu, bà Hồ Thúy Ái nhận định: “Dòng tiền toàn cầu không hoàn toàn giống với thị trường Việt Nam. Trước đây, dòng tiền rời khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chuyển hướng sang các thị trường như Nhật Bản và Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các thị trường chứng khoán tại Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã ghi nhận tình trạng thoái vốn ròng. Dù có sự hỗ trợ từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất nhưng mức giảm này không đáng kể, khiến dòng tiền toàn cầu chưa có xu hướng quay trở lại các thị trường mới nổi”.
Dữ liệu từ EPFR Global cũng cho thấy, dòng vốn cổ phần vào các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản vẫn lớn hơn so với các thị trường mới nổi như Brazil, Ấn Độ hay Trung Quốc. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn chưa quay lại các thị trường như Việt Nam trong khi nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Bình luận về vấn đề liệu dòng vốn ngoại có quay lại Việt Nam vào năm 2025 hay không, bà Ái cho biết, với triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sắp tới, nhiều người kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn cần giải quyết một số vấn đề dài hạn để thu hút vốn nước ngoài.
“Mặc dù chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng ngay cả khi không có dòng vốn ngoại nhưng để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ, cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng thị trường”, bà Ái nhấn mạnh.
Theo đó, một số giải pháp quan trọng mà Việt Nam cần tập trung vào để thu hút dòng vốn ngoại, đặc biệt khi triển vọng nâng hạng đang ngày càng rõ ràng hơn là cải thiện môi trường đầu tư. Việt Nam cần tăng cường các hoạt động nâng cao tính minh bạch thông tin và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế.
Tiếp đến là phát triển hạ tầng thị trường chứng khoán. Cần nâng cấp các hệ thống giao dịch và giám sát để tạo thuận lợi cho việc giao dịch và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của thị trường. Việc vận hành hệ thống KRX (Hệ thống giao dịch chứng khoán mới) cũng cần được thúc đẩy.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường phát hành IPO. Việt Nam cần thực hiện nhiều đợt IPO hơn để tạo cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ, sản xuất, từ đó giúp thị trường trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. Một giải pháp rất quan trọng khác là cải thiện mô hình quản trị doanh nghiệp. Chính bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tài chính, sớm đạt chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS và công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Bà Hồ Thúy Ái cũng khẳng định rằng về lâu dài, việc đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng nhất. Việt Nam cần tiếp tục đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức quốc tế để sớm gia nhập nhóm các thị trường mới nổi của FTSE.
Trần Hương
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận