Giới trẻ Nhật Bản đang dần tránh xa văn hóa làm việc quá sức
Văn hóa làm việc của Nhật Bản gắn liền với hình ảnh những giờ làm việc kéo dài và sự hy sinh bản thân, nhưng thế hệ lao động trẻ nước này đang dần chuyển sang ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, làm dấy lên hy vọng giảm thiểu tình trạng karoshi – tử vong do làm việc quá sức.
Theo nghiên cứu của nhà phân tích Takashi Sakamoto từ Viện Recruit Works, giờ làm việc hàng năm ở Nhật Bản đã giảm đáng kể, từ 1.839 giờ vào năm 2000 xuống còn 1.626 giờ vào năm 2022, đưa Nhật Bản ngang bằng với nhiều quốc gia châu Âu.
Sự thay đổi rõ nét nhất được thấy ở nam giới độ tuổi 20, khi số giờ làm việc trung bình hàng tuần giảm từ 46,4 giờ năm 2000 xuống còn 38,1 giờ vào năm 2023.
Ảnh minh họa: Pixabay
Giáo sư Makoto Watanabe tại Đại học Hokkaido Bunkyo nhận xét rằng thế hệ trẻ không còn muốn hy sinh bản thân vì công việc như cha mẹ họ từng làm.
Khác với các thế hệ trước, vốn xem làm việc nhiều giờ là cách để đạt được sự ổn định kinh tế và an ninh việc làm, giới trẻ Nhật Bản ngày nay từ chối điều kiện làm việc khắc nghiệt và đặt ưu tiên vào sự ổn định và thoải mái trong cuộc sống hàng ngày.
Tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản mang lại cho thế hệ trẻ đòn bẩy quan trọng. Các công ty hiện phải tranh giành nhân tài, thậm chí tiếp cận sinh viên trước khi họ tốt nghiệp để đảm bảo tuyển dụng. Điều này cho phép người lao động trẻ dễ dàng rời bỏ công việc khi cảm thấy bị bóc lột hoặc đánh giá thấp.
“Những người trẻ biết rằng họ có thể nhanh chóng tìm được công việc mới nhờ sự thiếu hụt nhân sự có trình độ”, ông Watanabe nói.
Không chỉ vậy, tiền lương của lao động trẻ tuổi đã tăng 25% kể từ năm 2000 dù họ làm việc ít giờ hơn, theo báo cáo của Sakamoto. Ngoài ra, số lượng công ty yêu cầu làm thêm giờ không lương – vấn đề tồn tại lâu năm – cũng đã giảm đáng kể.
Nhà xã hội học Izumi Tsuji tại Đại học Chuo Tokyo nhận định rằng sự ổn định, chứ không phải tham vọng, là mục tiêu chính của người lao động trẻ Nhật Bản. Họ mong muốn một cuộc sống đơn giản và thoải mái hơn thay vì theo đuổi những giấc mơ lớn lao.
Tuy nhiên sự thay đổi này không được các thế hệ lao động lớn tuổi đón nhận nhiệt tình. Các nhà quản lý ở độ tuổi 50 – 60 thường bối rối khi phải thích nghi với thái độ làm việc mới của đồng nghiệp trẻ.
Sự thay đổi này có thể mang lại lợi ích lớn trong bối cảnh Nhật Bản vẫn đối mặt với cuộc khủng hoảng karoshi. Theo báo cáo chính phủ, năm 2022 có 2.968 người tự tử liên quan đến làm việc quá sức. Nhiều chuyên gia hy vọng rằng sự thay đổi văn hóa làm việc ở thế hệ trẻ sẽ giúp giảm bớt áp lực lao động và các hệ lụy nghiêm trọng liên quan.
“Karoshi đã là vấn đề nghiêm trọng trong nhiều năm”, ông Tsuji nói. “Nếu những người trẻ làm việc ít giờ hơn, có cuộc sống cân bằng và hạnh phúc hơn, thì chúng ta có thể hy vọng con số này sẽ giảm trong tương lai gần”.
Hoài Phương (theo SCMP, Weforum)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận