GỬI TIỀN THẾ NÀO CHO TỐI ƯU VÀ AN TOÀN? (PHẦN 3)
Dọc suốt các bài viết của mình từ cuối năm ngoái, LeoX đã truyền tải thông điệp tới mọi người về dự báo xu hướng lãi suất sẽ tăng.
Một số bạn đã nắm bắt được điều này, gửi kỳ hạn ngắn từ cuối năm ngoái, đến đầu năm nay lãi suất lên đã chuyển sang kỳ hạn dài.
Vậy lãi suất còn tăng nữa không? Nếu có, có nên tiếp tục gửi kỳ hạn ngắn không? Gửi kỳ hạn nào cho tối ưu trong bối cảnh hiện tại? Trong bài này LeoX sẽ trả lời mấy câu hỏi này nha.
1. Lãi suất còn tăng không?
Theo quan điểm của LeoX là còn. Việc lãi suất tăng không phải tính thời điểm mà là xu hướng theo chu kỳ kinh tế.
Chu kỳ kinh tế vừa rồi của Việt Nam là 2007-2017 trong đó năm 2011 lãi suất đạt đỉnh lên đến 17-18% và đi xuống từ đó cho đến cuối năm 2017.
Từ thời điểm lãi suất hạ nhiệt đến nay, chúng ta đã chứng kiến các sự kiện như giá tài nguyên tăng, cụ thể như giá dầu tăng từ mức đáy 28 USD/ thùng năm 2015 lên đến hơn 70 USD trong năm 2018, rồi giá cổ phiếu tăng, BÐS cũng phục hồi. Tất cả vận động theo đúng chu kỳ kinh tế.
LeoX khuyên các bạn hết sức lưu ý về chu kỳ kinh tế, đây sẽ là những bài học quý giá để dùng cho suốt chặng đường đời còn lại của bạn. Trải nghiệm 1 chu kỳ kinh tế sẽ giúp bạn rút ra được rất nhiều điều về luân chuyển của dòng tiền, cực kỳ hữu ích cho việc quyết định nên để tài sản ở đâu.
Việc nhìn lại chu kỳ kinh tế đã qua cũng có hữu ích, dù quan sát và trải nghiệm thực tế sẽ thấm thía hơn rất nhiều. Bạn nào không còn nhớ hoặc đã không để ý trong chu kỳ kinh tế đã qua lãi suất đã diễn biến như thế nào thì có thể xem lại tại đây .
Việc dự báo chính xác thời điểm nào lãi suất sẽ tăng mạnh hay tăng mạnh đến đâu là điều rất khó vì trong quá trình đi lên còn có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động, ví dụ như sự điều hành của NHNN hay các yếu tố chính trị trong và ngoài nước.
Tuy nhiên chúng ta có thể theo dõi các yếu tố tác động đến lãi suất để nắm bắt được tình hình. Ví dụ giá dầu tăng sẽ khiến lạm phát tăng, lạm phát tăng khiến lãi suất tăng (vì nếu không lãi suất thực sẽ âm, tức là lãi suất không đủ bù trượt giá của đồng tiền).
Chúng ta cũng có thể theo dõi những chỉ báo sớm khác như lãi suất trái phiếu chính phủ, tăng trưởng tín dụng để có những phán đoán về áp lực tăng lãi suất trong thời gian gần. Từ đó có thể lựa chọn kỳ hạn nào phản ánh sớm kỳ vọng, tạo ra mức gap hấp dẫn để tối ưu khoản gửi thay vì chỉ gửi ngắn hạn để chờ lãi suất lên.
2. Chọn kỳ hạn nào tối ưu ở thời điểm hiện tại?
Chúng ta cùng thử phân tích lãi suất các kỳ hạn để chọn ra kỳ hạn hợp lý nhất tại thời điểm hiện tại nhé.
Theo như bảng tổng hợp lãi suất niêm yết tại các ngân hàng, chúng ta thấy mức chênh lệch lãi suất kỳ hạn tháng 3 và tháng 6 là khoảng hơn 2%.
Vậy nếu ta tin lãi suất có thể sẽ tăng thì ta nên chọn gửi 3 tháng rồi chờ lãi suất tăng gửi tiếp, hay chốt luôn kỳ hạn 6 tháng?
Ðể trả lời câu hỏi này, các bạn nên tính ra “implied forward yield”. Lấy ví dụ cụ thể nhé:
Lãi suất tại VIB kỳ hạn 3 tháng là 5.5% , 6 tháng là 7.6%. Vậy sau khi gửi 3 tháng lần thứ 1, thì lãi suất gửi tiếp 3 háng lần thứ 2 phải tăng lên bao nhiêu mới hòa với việc gửi luôn lãi suất 6 tháng ngày hôm nay? Ðấy chính là “implied forward yield” hay là yếu tố x trong công thức dưới đây:
(1 + 5.5%) (1 + x) = (1 + 7.6%)^2
Giải công thức này ra ta được x = 9.75%.
Ðiều đó có nghĩa là sau khi gửi 3 tháng, ở lãi suất 5.5%, 3 tháng tiếp theo ta phải gửi ở lãi suất 9.75% thì mới hòa việc gửi 6 tháng 7.6% ở thời điểm hiện tại.
Nói cách khác, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã phản ánh về kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thông qua “implied forward yield”.
Lãi suất kỳ hạn 3 tháng khó có thể tăng mạnh từ mức 5.5.% lên 9.75.% trong 3 tháng tới, nhất là trong bối cảnh giá dầu vẫn neo ở mức thấp, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và lãi suất TPCP dao động trong biên độ hẹp như hiện tại.
Do vậy, sau khi tính “implied forward yield” ta có thể thấy mức chênh lệch lãi suất của kỳ hạn tháng hiện đang khá hấp dẫn so với kỳ hạn 3 tháng.
Hỏi tiếp, còn kỳ hạn 9 tháng hay 12 tháng thì sao? Với cách tính tương tự ta thấy mức implied yield giữa kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, 12 tháng không tăng đáng kể. Hơn nữa thời gian càng dài, càng có nhiều ẩn số mới xuất hiện. Do vậy kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng hiện không có đủ hấp dẫn. Ta nên gửi 6 tháng rồi theo dõi tiếp diễn biến của lãi suất.
Tính toán trên dựa trên kinh nghiệm cá nhân dựa trên mức lãi suất niêm yết nhằm minh họa cho mọi người cách tư duy về lựa chọn kỳ hạn tối ưu, không nhằm mục đích tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.
Tác giả: LeoX.vn
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận