Hà Nội giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025
Năm 2025, TP. Hà Nội đặt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội gồm 25 chỉ tiêu, trong đó 5 chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 chỉ tiêu xã hội; 7 chỉ tiêu đô thị, nông thôn, môi trường.
Chiều ngày 16/12, UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế hành chính, sự nghiệp, khoa học – công nghệ và phát động phong trào thi đua năm 2025.
Vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025 giao gấp 1,13 lần
Mở đầu hội nghị, UBND TP. Hà Nội đã công bố Quyết định số 6399/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 của UBND thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2025.
Trong đó, biểu tổng hợp chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội gồm 25 chỉ tiêu, gồm: 5 chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 chỉ tiêu xã hội; 7 chỉ tiêu đô thị, nông thôn, môi trường. Đáng chú ý, UBND thành phố xác định, năm 2025 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,5% trở lên, GRDP/người/năm đạt khoảng 172,4 triệu đồng trở lên; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%…
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.
Quyết định của UBND thành phố nêu rõ, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 của thành phố, các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế – xã hội, chỉ tiêu biên chế hành chính, sự nghiệp và dự toán ngân sách được giao, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế – xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 cho các đơn vị trực thuộc theo quy định trước ngày 31/12/2024.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2025 là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với năm 2024; gấp 2,1 lần so với năm 2021 (năm đầu kỳ kế hoạch); trong đó nguồn ngân sách trung ương cao 14.423 tỷ đồng, chiếm 16,6% kế hoạch.
TP. Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.
Như vậy, năm 2025 là năm có khối lượng công việc lớn, đặc biệt là kế hoạch vốn ngân sách trung ương. Do đó, đối với các đơn vị được giao vốn ngân sách trung ương cần có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm để giải ngân hết kế hoạch vốn trung ương giao.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch giải ngân ngay từ đầu năm; trọng tâm là khắc phục khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Phấn đấu thu ngân sách đạt trên 500.000 tỷ đồng
Liên quan về dự toán thu, chi ngân sách năm 2025, theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu, năm 2025 không chỉ là năm cuối của giai đoạn ổn định ngân sách 2023 – 2025, mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng khi Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua. Luật mở ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, trong đó tài chính – ngân sách là một trụ cột quan trọng để hiện thực hóa các định hướng chiến lược.
Về thu ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2024 trên địa bàn thành phố là 453.130 tỷ đồng, đạt 110,9% dự toán, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Sở Tài chính đề nghị các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, điều hành thu ngân sách những ngày còn lại của năm 2024, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xác định nghĩa vụ tài chính của các dự án thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhằm phấn đấu đạt trên 500.000 tỷ đồng…
Toàn cảnh hội nghị
Dự toán ngân sách năm 2025 của thành phố có nhiều điểm mới, trong đó điều chỉnh tăng định mức phân bổ dự toán chi hoạt động thường xuyên cho các đối tượng lao động hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ được cấp có thẩm quyền giao; mở rộng phạm vi sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của các cấp ngân sách để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội do trung ương và thành phố ban hành; chi thu nhập tăng thêm theo quy định tại Điều 15, Điều 35 Luật Thủ đô và Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND ngày 12/12/2024 của HĐND thành phố…
Ngân sách thành phố bổ sung khoản kinh phí bằng 3% tổng chi ngân sách phường cho các quận, thị xã. UBND các quận, thị xã có trách nhiệm giao khoản chi này trong dự toán chi ngân sách của các phường.
Trên cơ sở dự toán được giao, chủ tịch UBND các phường chủ động quyết định sử dụng khi phát sinh các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu trợ, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cần thiết khác chưa được dự toán. Đặc biệt, bố trí chi thường xuyên triệt để tiết kiệm, ưu tiên các nhiệm vụ phục vụ công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, năm 2025 là năm có khối lượng công việc rất lớn, do đó đề nghị các đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, và có cách tiếp cận khác về thực hiện quy trình nội bộ nhằm phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề nghị cần ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng, nhất là hệ thống đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, cần thay đổi diện mạo môi trường, bảo đảm phát triển Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu chuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025.
Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2025 trên tất cả các lĩnh vực, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TP. Hà Nội kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo, thi đua tăng tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2025.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận