Hải Phòng tận dụng dư địa, tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Để đạt tăng trưởng 11,5-12% theo kế hoạch và nối dài chuỗi tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 9 năm qua, thành phố Hải Phòng cần tận dụng dư địa, tiềm năng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh kế – xã hội trong những tháng cuối năm.
Hải Phòng tăng trưởng cao nhưng một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch
9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Hải Phòng tăng 9,77% so với cùng kỳ, gấp hơn 1,43 lần bình quân chung cả nước. Với kết quả này, Hải Phòng đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Các doanh nghiệp trong các KCN, KKT Hải Phòng đã trở lại sản xuất bình thường sau bão số 3.
Một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, như: Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 87.822 tỷ đồng (tăng trên 34% so với cùng kỳ năm 2023); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,4 triệu USD (tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 80% kế hoạch năm). Trong 9 tháng đầu năm, Hải Phòng đã thu hút được 1,78 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đón trên 7,1 triệu lượt khách du lịch.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong 9 tháng đầu năm của thành phố chưa đạt kế hoạch đề ra, như: sản lượng hàng qua cảng, giải ngân vốn đầu tư công… Theo bà Trần Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hải Phòng, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, các hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố bị ngừng trệ một thời gian; chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp, kéo theo chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2024 tăng trưởng thấp (khoảng 3,48% so với cùng kỳ).
Nhiều giải pháp để nối dài chuỗi tăng trưởng 2 con số
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 11,5-12%, TP Hải Phòng đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong những tháng cuối năm.
Thường trực Thành uỷ Hải Phòng đối thoại và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động trên địa bàn.
Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam; tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, đến ngày 10/10, gần như tất các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng đã trở lại trạng thái hoạt động bình thường sau bão Yagi. Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tích cực phối hợp với các sở ngành của thành phố và các cơ quan, đơn vị như: Cục Hải quan, Cục Thuế Hải Phòng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, sản xuất.
Theo Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu, dù phải đối mặt với những thách thức nhưng thành phố Hải Phòng quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Hiện, địa phương đang đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thủ tục thanh toán bảo hiểm đối với các thiệt hại sau bão; hỗ trợ chính sách tín dụng, thủ tục xuất nhập khẩu…
“Thành uỷ Hải Phòng chỉ đạo các địa phương, sở ngành phân công nhiệm vụ, nhóm doanh nghiệp cho các cán bộ, công chức chủ động liên hệ làm việc, bám sát từng doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ phục hồi sản xuất” – Ông Lê Tiến Châu cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Hải Phòng còn nhiều tiềm năng, dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Cùng với việc hỗ trợ, phục hồi sản xuất công nghiệp, TP Hải Phòng đang tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Trong cuộc làm việc với thành phố Hải Phòng vào giữa tháng 10/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đánh giá Hải Phòng vẫn còn dư địa để phát triển để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa; vì vậy, Hải Phòng phải có các giải pháp để đẩy nhanh tăng tốc độ tăng trưởng.
“Chúng ta phải phấn đấu năm tới và cho cả nhiệm kỳ, làm sao tăng trưởng của toàn quốc và từng địa phương phải vượt trội thì mới đảm bảo được tăng trưởng bình quân đúng như Nghị quyết đại hội Đảng đặt ra. Chính phủ “trông cậy” vào những địa phương đầu tàu, động lực của nền kinh tế, trong đó có Hải Phòng” – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
TP Hải Phòng đang đứng trước những thách thức, nhưng cũng là cơ hội để địa phương này khẳng định sự đoàn kết, đồng lòng, duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số như 9 năm qua; tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Thanh Nga/VOV-Đông Bắc
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận