Nhiều nhà đầu tư là các quỹ và nhà đầu tư chiến lược đến từ Singapore, Thái Lan, Châu Âu, Mỹ, Nhật,… đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
Tiền nhiều nhưng khó tìm đối tác đầu tư
Hoạt động đầu tư tư nhân (private equity) trong những năm qua đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đồng hành, thúc đẩy và tạo ra các doanh nghiệp chất lượng cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, xét về tình hình gần một năm qua, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital đánh giá các hoạt động đầu tư tư nhân chưa thực sự sôi động, được thể hiện qua số lượng giao dịch M&A ít ỏi trong 9 tháng qua.
Theo ước tính của bộ phận nghiên cứu VinaCapital, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của các doanh nghiệp trong năm 2024 khá khiêm tốn so với năm 2023, đạt quanh mức 8%.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Phương, đây có thể là một trong những lý do làm giảm sự hấp dẫn của giao dịch trong mắt nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Đều này không chỉ thể hiện ở các giao dịch trong hoạt động đầu tư tư nhân mà còn thể hiện với cả doanh nghiệp niêm yết đang có kế hoạch chào bán cổ phần.
Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital tại Talkshow Phố Tài chính
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tư nhân theo lãnh đạo VinaCapital là số lượng doanh nghiệp tư nhân thực sự chất lượng, có quy mô vừa và lớn chưa nhiều.
“Trong 9 tháng vừa qua, đội ngũ đầu tư của VinaCapital đã xem xét và phân tích rất nhiều cơ hội chào bán doanh nghiệp, bao gồm việc doanh nghiệp tư nhân chào bán cổ phần chi phối, huy động vốn bằng việc chào bán cổ phần thiểu số, các khoản vay chuyển đổi thành cổ phần,… trong rất nhiều lĩnh vực. Song, đa số các doanh nghiệp này ở quy mô rất nhỏ, hoặc là doanh nghiệp start up, hoặc hoạt động trong mảng công nghệ”, bà Nguyễn Thị Diệu Phương cho biết.
Tuy nhiên, phía VinaCapital cho rằng đây chỉ là bước chững lại mang tính ngắn hạn. Nhìn chung các nhà đầu tư quốc tế và khu vực vẫn rất quan tâm đến các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
“Chúng tôi đã tiếp xúc và gặp gỡ rất nhiều nhà đầu tư, bao gồm các quỹ và nhà đầu tư chiến lược đến từ Singapore, Thái Lan, Châu Âu, Mỹ, Nhật,… đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Bản thân VinaCapital trong năm 2024, thông qua quỹ VOF, đã đầu tư vào Công ty Thọ Phát thông qua khoản vay chuyển đổi cho công ty mẹ là Tập đoàn KIDO. Hiện cả KIDO và Thọ Phát hiện đang mở rộng mạng lưới phân phối với hơn 10.000 điểm bán hàng, phát triển sản phẩm để đáp ứng sở thích, nhu cầu của người tiêu dùng tiềm năng”, đại diện VinaCapital cho biết.
Vị này cũng tiết lộ rằng VinaCapital đang xem xét một danh mục khoảng 100-150 triệu USD để đầu tư vào các doanh nghiệp tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề được hưởng lợi từ việc tăng trưởng nền kinh tế nội địa, như dược phẩm, y tế, giáo dục, hàng tiêu dùng, bất động sản,…
Nâng chất và lượng của thị trường
Với tốc độ tăng trưởng và cải thiện như hiện nay, dự báo thị trường Việt Nam có thể được nâng hạng trong năm 2025. Để thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng có khả năng thu hút thêm dòng vốn lớn, bà Nguyễn Thị Diệu Phương đánh giá vai trò của đầu tư tư nhân là hết sức quan trọng trong việc phát triển các doanh nghiệp chất lượng và có quy mô lớn.
Trước hết, đầu tư tư nhân giúp các doanh nghiệp địa phương cải thiện năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động. Không chỉ cung cấp vốn, nhà đầu tư còn đồng hành với doanh nghiệp trong việc thiết lập hệ thống quản trị minh bạch, kiểm soát tài chính chặt chẽ, và tối ưu hóa quy trình. Theo bà Phương, đây là những yếu tố rất cần thiết để nâng cao chất lượng doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường vốn quốc tế và thu hút các nhà đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân có khả năng thúc đẩy sự hợp nhất và mở rộng quy mô doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ, y tế, tài chính, và sản xuất. Thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập hoặc mở rộng quy mô, các nhà đầu tư tư nhân giúp hình thành các doanh nghiệp lớn hơn, cạnh tranh hơn.
Những doanh nghiệp này sẽ có vị thế tốt hơn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút thêm vốn đầu tư và đạt được vị trí dẫn đầu trong ngành, và khi các doanh nghiệp này được niêm yết trên thị trường chứng khoán, sẽ tạo ra cho thị trường chứng khoán một lượng hàng hóa có chất lượng, góp phần tăng quy mô cho thị trường.
Ngoài ra, với triển vọng nâng hạng thị trường, đầu tư tư nhân có thể đóng vai trò như một cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận mạng lưới nhà đầu tư quốc tế nhiều hơn, mở rộng tầm nhìn và thực hiện các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG). Điều này không chỉ tạo sức hút cho dòng vốn đầu tư nước ngoài mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu uy tín, đảm bảo sức cạnh tranh trong dài hạn.
Tiềm năng vẫn còn nhiều trong hoạt động đầu tư tư nhân tại Việt Nam, đại diện VinaCapital cho rằng cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Đầu tiên là tính minh bạch trong môi trường kinh doanh còn hạn chế, khiến các nhà đầu tư lo ngại về việc ra quyết định dựa trên thông tin chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác. Các báo cáo tài chính và hoạt động kinh doanh của nhiều công ty, đặc biệt là các công ty tư nhân chưa niêm yết còn chưa được kiểm toán, hoặc chưa được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán uy tín theo chuẩn quốc tế, dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư khi đánh giá doanh nghiệp.
Thứ hai là việc vận hành, theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn sau giải ngân. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân là các công ty vừa và nhỏ (SME), vẫn đang trong quá trình chuẩn hóa các quy trình, hệ thống. Điều này dẫn đến khả năng kéo dài thời gian thực hiện dự án và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Do đó, việc đầu tư vào các công ty tư nhân đòi hỏi một lực lượng chuyên viên có kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực để thực hiện các chiến lược và đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư.
Một thực trạng khác được bà Nguyễn Thị Diệu Phương đề cập là việc định giá doanh nghiệp được đánh giá chưa hợp lý so với mức tăng trưởng kỳ vọng của doanh nghiệp đó trong 3-5 năm tới. Theo bà, đa số các chủ doanh nghiệp đặt mức định giá kỳ vọng khá cao, dẫn đến việc khó thoả thuận hợp tác.
Cuối cùng, việc đảm bảo các kế hoạch thoái vốn phù hợp với mục tiêu của người sáng lập và thời hạn phù hợp của nhà đầu tư có thể là một thách thức, do đó đòi hỏi phải duy trì giao tiếp hiệu quả giữa nhà đầu tư với người sáng lập.
Xuất hiện với tư cách diễn giả tại sự kiện của Bloomberg Businessweek, ông Nguyễn Võ Long – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch FireAnt – đã mang đến những góc nhìn sâu sắc về xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Ông cũng trình bày những ứng dụng thực tiễn mà FireAnt đang tiên phong triển khai tại thị trường Việt Nam.
Giá pin giảm mạnh khiến giá xe điện sắp ngang xe xăng vào năm 2026
Giá pin lithium-ion giảm 20% trong năm 2024, dự báo xuống dưới 100 USD/kWh vào 2026, hứa hẹn xe điện sẽ ngang giá xe xăng, thúc đẩy cách mạng giao thông toàn cầu.
Tham gia thảo luận