Hậu đàm phán, Mỹ khẳng định không muốn ‘tách rời’ kinh tế với Trung Quốc

Hậu đàm phán, Mỹ khẳng định không muốn ‘tách rời’ kinh tế với Trung Quốc

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã tái khẳng định rằng Washington không có ý định “tách rời” khỏi nền kinh tế Trung Quốc, mà thay vào đó mong muốn thiết lập một mối quan hệ thương mại cân bằng và bền vững hơn.

“Cả hai phái đoàn đều đồng thuận rằng không bên nào muốn bị tách rời. Những gì đã xảy ra với mức thuế quan rất cao hiện nay chẳng khác nào một lệnh cấm vận, và không bên nào mong muốn điều đó. Chúng tôi muốn thương mại. Chúng tôi muốn một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn”, ông Bessent phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra ngày 12/5 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer tổ chức họp báo tại Geneva (Thuỵ Sĩ) vào ngày 12/5. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images)

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tuần trước, ông Bessent cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn tách rời; điều chúng tôi tìm kiếm là thương mại công bằng”.

Tuyên bố chung được Mỹ và Trung Quốc công bố vào ngày 12/5 cho thấy hai nước đã đạt được đồng thuận về việc mạnh mẽ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong thời gian đầu kéo dài 90 ngày.

Thông báo được đưa ra sau một tuần đàm phán căng thẳng tại Geneva giữa các quan chức cấp cao của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo đó, các điều chỉnh về thuế quan sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/5. Tuy nhiên, mức thuế 20% do Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với các sản phẩm liên quan đến fentanyl từ Trung Quốc (được ban hành vào tháng 2 và tháng 3) sẽ vẫn được giữ nguyên.

Hai bên đã đồng ý giảm thuế quan một cách “có đi có lại” tổng cộng 115 điểm phần trăm trong thời hạn 90 ngày đầu tiên. Cụ thể, Mỹ sẽ tạm thời hạ mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30%, trong khi Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết sẽ dỡ bỏ các biện pháp trả đũa phi thuế quan áp đặt đối với Mỹ kể từ ngày 2/4. Tuy nhiên, chi tiết về cách thức và phạm vi gỡ bỏ các biện pháp này vẫn chưa được làm rõ.

Trong chiến dịch trả đũa hồi tháng 4, Bắc Kinh đã đưa đất hiếm vào danh sách xuất khẩu có kiểm soát, mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với công ty hóa chất DuPont của Mỹ và liệt kê một loạt doanh nghiệp công nghệ, quốc phòng của Mỹ vào danh sách đen.

(Từ trái qua) Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liêu Mẫn, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong và Thứ trưởng Bộ thương mại Lý Thành Cương trong cuộc họp báo tại Geneva (Thuỵ Sĩ) vào ngày 12/5. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images)

Theo thỏa thuận mới đạt được, các công ty bị ảnh hưởng trong danh sách trên sẽ được xóa khỏi diện cấm giao dịch và đầu tư tại Trung Quốc, đồng thời cuộc điều tra chống bán phá giá đối với DuPont cũng sẽ bị tạm dừng.

Tuy nhiên, tuyên bố chung chỉ đề cập đến việc gỡ bỏ các biện pháp đối phó được áp dụng sau ngày 2/4, đồng nghĩa với việc hàng chục công ty bị liệt vào danh sách đen trong tháng 3 và cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Google được công bố hồi tháng 2 sẽ không nằm trong phạm vi áp dụng.

Về phía Trung Quốc, nước này hoan nghênh thỏa thuận thương mại với Mỹ, gọi đây là “bước đi quan trọng” có thể dẫn đến “sự hợp tác sâu sắc hơn” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Mức thuế quan cao do Mỹ áp đặt đã làm suy yếu nghiêm trọng các hoạt động trao đổi kinh tế và thương mại song phương thông thường và làm suy yếu nghiêm trọng trật tự kinh tế và thương mại quốc tế”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

“Tuyên bố chung đạt được tại các cuộc đàm phán là bước đi quan trọng của hai bên nhằm giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng, đồng thời đặt nền tảng và tạo điều kiện để thu hẹp hơn nữa những khác biệt và tăng cường hợp tác”, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh thêm.

Người phát ngôn của bộ này cũng cho biết Mỹ và Trung Quốc “sẽ thiết lập một cơ chế để tiếp tục tham vấn về quan hệ kinh tế và thương mại”, sẽ diễn ra trong thời gian tạm dừng 90 ngày.

Cuộc chiến thương mại kéo dài đã để lại những tác động rõ rệt đối với cả nền kinh tế Mỹ lẫn Trung Quốc.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ – thước đo toàn diện nhất về sức khỏe nền kinh tế – đã ghi nhận sự sụt giảm trong quý đầu tiên kể từ năm 2022, khi các nhà nhập khẩu vội vàng gom hàng trước khi các mức thuế trừng phạt có hiệu lực.

Về phía Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong tháng vừa qua đã giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất quy mô lớn của nước này.

Theo các dữ liệu công bố, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4 đã sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 16 tháng, buộc chính phủ Bắc Kinh phải gấp rút triển khai thêm các biện pháp kích thích kinh tế.

Đáng chú ý, vào ngày 9/5 vừa qua, các quan chức tại cảng biển Mỹ thông tin với CNN rằng không có một tàu chở hàng nào khởi hành từ Trung Quốc cập cảng tại hai điểm trung chuyển lớn ở Bờ Tây trong vòng 12 giờ liên tiếp – điều chưa từng xảy ra kể từ thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19.

Theo CNN, Reuters

Quang Đăng

Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

G7 bỏ qua thuế quan, cam kết giảm mất cân bằng kinh tế toàn cầu

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương từ các nước thuộc nhóm G7 hôm thứ Năm, cam kết giải quyết 'sự mất cân bằng quá mức' trong nền kinh tế toàn cầu và cho biết họ có thể tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga., theo Reuters

Tiếp tục đọc

Giới tài chính Nhật – Mỹ thừa nhận tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato vừa nhất trí rằng tỷ giá hối đoái USD - yên hiện phản ánh các yếu tố cơ bản.

Tiếp tục đọc

Xử lý nợ xấu ngân hàng có nhiều tín hiệu tích cực

Với triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản, vấn đề xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng được kỳ vọng có nhiều cải thiện, nhất là trong khâu thanh lý tài sản đảm bảo.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay