HBC: Cổ phiếu tăng giá, lạc quan về tương lai
Sau thời gian chật vật đối mặt với khó khăn tài chính và biến động thị trường, cổ phiếu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đang có “những ngày vui” với chuỗi tăng giá ấn tượng trên sàn UPCoM, cùng với kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa trong năm 2025.
Những ngày vui của cổ phiếu Hòa Bình (HBC)
Kết phiên giao dịch ngày 26/12, cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ở mức 6.700 đồng/cp, tăng 6,35%. Ở phiên sáng, cổ phiếu này bật tăng từ sớm (+11,11%) với hơn 2,2 triệu đơn vị được giao dịch ngay đầu phiên.
Phiên hôm qua, ngày 25/12, HBC còn ghi nhận mức tăng trần (+14,29%) – một cột mốc đáng chú ý khi đây là phiên tăng trần đầu tiên kể từ ngày 18/9, thời điểm hơn 347 triệu cổ phiếu HBC chuyển giao dịch sang sàn UPCoM.
Như vậy, với chuỗi 7 phiên tăng mạnh liên tiếp, giá trị cổ phiếu HBC đã tăng tới 40%, đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 7. Nhờ đà tăng này, vốn hóa thị trường của công ty vượt ngưỡng 2.400 tỷ đồng. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải cũng gia tăng tài sản cá nhân thêm gần 66 tỷ đồng, đạt tổng giá trị 300 tỷ đồng. Hiện tại, cổ phiếu HBC có chỉ số P/E và P/B lần lượt ở mức 2,07 và 1,21 lần, thấp hơn so với mức trung bình của ngành xây dựng, thu hút sự quan tâm nhất định của các nhà đầu tư.
Đà tăng của cổ phiếu Hòa Bình là tin vui giữa bối cảnh công ty vừa trải qua những khó khăn lớn. Tháng 9/2024, HBC phải rời sàn HOSE, chuyển sang UPCoM, do khoản lỗ lũy kế lên đến 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp 2.741 tỷ đồng – vi phạm quy định niêm yết. Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ sự tiếc nuối khi HBC phải rời sàn HOSE khiến Hoà Bình gặp khó khăn hơn trong đấu thầu các dự án, trong việc giữ mối quan hệ với đối tác, ngân hàng và tìm kiếm thêm nhà đầu tư chiến lược.
Hòa Bình từng gặp khó khăn lớn từ năm 2020 khi tập trung quá nhiều vào các công trình cao cấp như khách sạn, resort 5-6 sao, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Dù đại dịch qua đi, ngành du lịch vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, khiến các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn kéo dài. Kết quả, HBC vừa không thể thu hồi nợ cũ, vừa khó tìm kiếm dự án mới.
Đồng thời, khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản nhà ở và khu đô thị càng khiến việc thu hồi công nợ và mở rộng công trình mới của Hòa Bình thêm chông gai. Doanh thu năm 2023 chỉ đạt hơn 7.500 tỷ đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Kế hoạch doanh thu năm 2024 đặt mục tiêu 10.800 tỷ đồng, nhưng theo ông Lê Viết Hải, đây là con số khó đạt được.
Lạc quan với ngành xây dựng trong năm 2025
Trong bối cảnh khó khăn, ông Lê Viết Hải vẫn lạc quan với tình hình kinh tế Việt Nam trong năm tới. Vị Chủ tịch HĐQT tin tưởng, năm 2025, mức độ cạnh tranh của ngành xây dựng sẽ giảm bớt do có sự thúc đẩy các dự án đầu tư công từ Chính phủ. Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng ngày một tăng, kéo theo nhu cầu xây dựng các công trình công nghiệp, nhà máy, nhà kho tăng trưởng nhanh chóng.
Thêm vào đó, những thay đổi pháp lý quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản và xây dựng sẽ có hiệu lực từ năm 2025, hứa hẹn tạo động lực phục hồi cho các phân khúc nhà ở và khu đô thị. Các tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản đã bắt đầu xuất hiện, mở ra cơ hội cho Hòa Bình tăng trưởng ổn định hơn.
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Trước đó, Báo cáo tài chính quý III/2024 của Xây dựng Hòa Bình cho thấy, tình hình đã phần nào được cải thiện. Doanh thu quý III đạt 974,9 tỷ đồng, tuy giảm 48,5% so với cùng kỳ, nhưng công ty đã có lãi 12,66 tỷ đồng, so với khoản lỗ 179,36 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Sự cải thiện này đến từ việc kiểm soát chi phí hiệu quả hơn, đặc biệt là khoản chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh.
Tháng 9/2024, Hòa Bình được BIDV gia hạn tín dụng thường xuyên với hạn mức tối đa 4.000 tỷ đồng đến ngày 30/6/2025, trong đó có 2.000 tỷ đồng cho vay và bảo lãnh thanh toán. Ngoài BIDV, Hòa Bình còn được cấp hạn mức tín dụng từ các ngân hàng khác như: SeABank, VietinBank, VPBank, với tổng hạn mức đạt gần 5.100 tỷ đồng, nâng tổng hạn mức tín dụng hiện tại lên gần 9.100 tỷ đồng.
Những khoản tín dụng trên sẽ hỗ trợ cho Hòa Bình trong việc tài trợ các dự án xây dựng quy mô lớn, đầu tư vào công nghệ và thiết bị hiện đại nhằm tối ưu hóa chi phí và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Sau khi được cấp gia hạn tín dụng thường xuyên, cũng như có lãi trở lại trong Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, Xây dựng Hòa Bình đã trở lại với những gói thầu mới.
Tháng 10/2024, Xây dựng Hòa Bình đã trúng thầu dự án Eaton Park trị giá gần 1.900 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Địa ốc Tâm Lực thuộc Tập Đoàn Gamuda Land làm chủ đầu tư. Tháng 11/2024, Tập đoàn của ông Lê Viết Hải tiếp tục trúng thầu dự án Phú Quốc Park tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, do BIM Group làm chủ đầu tư.
Dù còn nhiều khó khăn,nhưng những nỗ lực tái cấu trúc và cải thiện tình hình tài chính của Xây dựng Hòa Bình đã bắt đầu mang lại kết quả. Cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nhà đầu tư đang kỳ vọng, Hòa Bình sẽ có bước tiến mới trong năm 2025.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận