Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản 100 tỷ USD: “Tiền tươi thóc thật” vào túi nông dân (Bài 1)
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc đến con số 62,5 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản và cảm ơn người nông dân đã góp phần làm nên kỷ lục này. Thủ tướng cũng nhắc đến con số tham vọng xuất khẩu nông sản đạt 100 tỷ USD.
LTS.Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc đến con số 62,5 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản, xuất siêu 17,9 tỷ USD và cảm ơn người nông dân đã làm nên thành tích kỷ lục này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã giao chỉ tiêu cho ngành Nông nghiệp và PTNT xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 đạt con số 70 tỷ USD, tiến tới mốc 100 tỷ USD như kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Làm thế nào để đạt được mục tiêu như kỳ vọng của Chính phủ, dư địa xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ở các thị trường như thế nào, những cơ hội và thách thức đang hiện hữu? Để trả lời cho những câu hỏi này, Báo Dân Việt thực hiện loạt bài: Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản 100 tỷ USD.
62,5 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản – “tiền tươi” vào túi nông dân
Năm 2024, vượt qua rất nhiều khó khăn do những biến động của thị trường, những tác động chưa từng có của thiên tai, ngành nông nghiệp và PTNT đã về đích sớm, với rất nhiều chỉ tiêu Chính phủ giao đã đạt và vượt từ rất sớm, trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục lập kỳ tích “vô tiền khoáng hậu”.
Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục, 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%.
Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản 100 tỷ USD: “Tiền tươi thóc thật” vào túi nông dân (Bài 1) – Ảnh 1.
Đáng chú ý, có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ 16,2 tỷ USD (tăng 20,3%); rau quả 7,12 tỷ USD (tăng 27,1%); gạo 5,75 tỷ USD (tăng 23% với lượng 9,18 triệu tấn, tăng 12,9%); cà phê 5,48 tỷ USD (tăng 29,1% với lượng 1,32 triệu tấn, giảm 18,8%); hạt điều 4,38 tỷ USD (tăng 20,2% với lượng 729,5 nghìn tấn, tăng 13,3%); tôm 3,86 tỷ USD (tăng 14%); cao su 3,46 tỷ USD (tăng 19,6% với lượng 2,03 triệu tấn, giảm 5,2%).
Điều đáng ghi nhận là, thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp liên tục tăng kể từ năm 2015 đến nay. Nếu như năm 2015, thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đạt 8,17 tỷ USD thì đến năm 2016 tăng lên 8,84 tỷ USD, năm 2017 đạt 9,96 tỷ USD, năm 2018 đạt 8,46 tỷ USD, năm 2019 đạt 9,27 tỷ USD, năm 2020 đạt 10,89 tỷ USD, năm 2023 đạt 12,19 tỷ USD tăng 45,1% và năm 2024 tiếp tục lập kỷ lục với 17,9 tỷ USD.
“Trong thành tựu chung của đất nước, ngành nông nghiệp có đóng góp rất quan trọng, kim ngạch xuất khẩu đạt 62,5 tỷ đô, xuất siêu 18 tỷ USD, trong khi xuất siêu cả nước chỉ khoảng 24-25 tỷ USD, tức là nông nghiệp chiếm hơn 70% tổng số xuất siêu của cả nước. Đó là tiền tươi thóc thật của người nông dân chúng ta”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, con số xuất khẩu 62,5 tỷ USD rất có ý nghĩa bởi “số tiền xuất khẩu này đều vào túi của người dân”. Hiện chúng ta có 20 Hiệp định tự do đã ký kết, nếu thực thi hết 20 hiệp định, chúng ta sẽ đưa được rất nhiều sản phẩm vào các thị trường này.
Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, năm 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục chứng minh vai trò “điểm tựa” của nền kinh tế quốc gia, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và biến chuyển xu thế tiêu dùng.
“Kết quả đáng tự hào của ngành Nông nghiệp và PTNT đến từ sự lãnh đạo, điều hành sát sao, xuyên suốt của Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành trung ương và địa phương, cùng nhau chuyển đổi tư duy, cùng nhau hành động, chung tay kết nối, quảng bá, xúc tiến sâu rộng thương mại nông sản cả trong, ngoài nước. Cùng với tinh thần năng động, vượt khó của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, sự chủ động thay đổi, thích ứng linh hoạt với xu thế mới của hợp tác xã, người sản xuất, bà con nông dân trên khắp cả nước, là niềm tin, là hy vọng vào những giá trị tốt đẹp mà ngành Nông nghiệp luôn đóng góp cho cả nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Đoàn tàu liên vận vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc lăn bánh từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đầu năm 2024. Ảnh: VGP.
Dấu ấn mở cửa thị trường
Có thể nói, con số xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 là kết quả của quá trình Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành chức năng thực hiện các đề án về thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản; chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Đến nay, đã cấp 8.052 mã số vùng trồng, 1.596 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen… ) được phép xuất khẩu sang các thị trường (Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…); đến hết năm 2024 số cơ sở xuất khẩu thủy sản vào các thị trường không ngừng tăng lên.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 06/02/2024 về tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu NLTS; tích cực triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu NLTS sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ năm 2023…
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.
Phối hợp với đại sứ quán, tham tán thương mại, gia tăng vai trò của tham tán nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật, Nga, Brazil…). Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Bộ đã quan tâm và tập trung khai thác các thị trường còn nhiều tiềm năng như: Thị trường thực phẩm Halal, Trung Đông, Châu Phi…
Đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp với con số xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 đạt 70 tỷ USD, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đó không chỉ là mục tiêu tham vọng rất lớn, nhiều người nói là bất khả thi mà chúng ta vẫn phải quyết tâm thực hiện. Đó là khát vọng của dân tộc, của đất nước, khó mấy cũng phải làm.
“Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới”, Thủ tướng nói.
Muốn đạt được điều đó, theo Thủ tướng, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal. Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần.
“Để du khách mua sản phẩm thì bao bì, đóng gói sản phẩm đó phải đi máy bay cũng được, tàu hỏa cũng được, tàu biển cũng được, đi bộ cũng được…”, Thủ tướng lấy ví dụ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng xác định sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc…); mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi… với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Xây dựng các Đề án thúc đẩy xuất khẩu NLTS sang một số thị trường mới (Trung Đông, Châu Phi…)
Tích cực triển khai chủ động, hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các Hiệp định khu vực và song phương với các nước. Thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.
Khánh Nguyên
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận