Hội nghị Thượng đỉnh EU kêu gọi làm cho châu Âu ‘vĩ đại’ và ‘hòa bình’ trở lại
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khép lại với cam kết tăng cường kinh tế và quốc phòng của khối. Thủ tướng Hungary Viktor Orban, chủ trì hội nghị, cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu theo đuổi chính sách hòa bình ở Ukraine.
Thủ tướng Orban cũng nhấn mạnh thêm rằng rằng mục tiêu chung của các nhà lãnh đạo tham gia là “làm cho châu Âu vĩ đại trở lại”, một câu nói ám chỉ khẩu hiệu của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AP
Những bất đồng về vấn đề Ukraine
Việc ông Trump tái đắc cử là một vấn đề lớn tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận về cách thức mà Liên minh châu Âu sẽ hành động trong bối cảnh ông Trump trở lại nắm quyền và làm thế nào để nền kinh tế châu Âu cạnh tranh với Mỹ.
Ông Orban cho biết trong Tuyên bố Budapest, các nước châu Âu đã cùng nhau đưa ra những giải pháp nhanh chóng để giảm giá điện, khí đốt đang rất cao hiện nay.
Vào thứ Sáu, Thủ tướng Hungary đã nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đồng thời kêu gọi EU “chuyển từ xung đột sang hòa bình”.
“Tình hình ở mặt trận là rõ ràng, có một sự thất bại quân sự” đối với Ukraine, ông Orban nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã đưa ra một tuyên bố chung tại Budapest, tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Châu Âu muốn hợp tác với ông Trump
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định mong muốn hợp tác với Tổng thống đắc cử của Mỹ. Nhưng ông nhấn mạnh rằng châu Âu cần chủ động đảm bảo an ninh cho chính mình.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải hợp tác với tư cách là Liên minh châu Âu, với tư cách là người châu Âu, để thực hiện những hành động cần thiết nhằm bảo vệ an ninh của chính chúng ta”.
Về khả năng Mỹ áp thuế mới và ảnh hưởng của chúng đến nền kinh tế EU, ông Scholz cho biết Liên minh châu Âu đã sẵn sàng đối phó với điều đó.
Ông Scholz nói thêm: “Tôi không nghĩ chúng ta nên suy đoán quá nhiều về vấn đề này với Mỹ. EU có đủ khả năng để làm những gì cần thiết. Tuy nhiên, tất cả chúng ta nên nỗ lực cho các cuộc đàm phán một cách rõ ràng”.
Quyết tâm cải cách kinh tế
Liên quan đến vấn đề kinh tế của EU, vào hôm thứ Sáu, Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu cần phải tiến hành các cải cách kinh tế một cách nhanh chóng.
Cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mario Draghi, đã công bố một báo cáo toàn diện, nhấn mạnh mối lo ngại về việc châu Âu đang tụt lại phía sau Mỹ, với năng suất thấp và nền kinh tế EU suy thoái.
“Những khuyến nghị trong báo cáo này rất cấp bách, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Chúng càng trở nên cấp bách hơn sau cuộc bầu cử ở Mỹ”, ông Draghi cho biết.
Vào thứ Sáu, bà Von der Leyen cũng đã cam kết sẽ đề xuất một 'thỏa thuận công nghiệp sạch' nhằm hỗ trợ quá trình phi cacbon hóa nền kinh tế châu Âu trong '100 ngày đầu tiên' của Ủy ban châu Âu mới của bà, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 12.
Bà đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hà Trang (theo DW)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận