HPG: Tập đoàn Hòa Phát có gì mà hoa hậu Mai Phương Thúy bắt đáy?
Tập đoàn Hòa Phát được kỳ vọng sẽ tạo ra cú bật lớn nhờ Dung Quất 2 đi vào hoạt động. Song, thách thức đến từ thị trường xuất khẩu do chính sách bảo hộ sản xuất nội địa lan rộng và nợ lớn.
Ngày 9/4, hoa hậu Mai Phương Thúy gây sóng gió trên mạng xã hội khi đăng trạng thái “Mua có một trịu HPG giá sàn mà vật lộn cả một ngày” trên trang Facebook cá nhân. Nếu thực hiện đúng như những gì đã đăng thì nữ nghệ sỹ đã chi khoảng 21,3 tỷ cho giao dịch này.
Sang ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát đi thông báo hoãn áp thuế đối ứng cao với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều này giúp thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ ngay đầu phiên. VN-Index tăng hơn 72 điểm, hàng loạt cổ phiếu tím trần với khối lượng dư mua hàng triệu đơn vị. Song thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư không mặn mà bán ra ở thời điểm này.
Trong đó, cổ phiếu HPG cũng tăng trần lên 22.750 đồng/cp với dư mua trần hơn 65 triệu đơn vị trong khi khớp lệnh chỉ gần 3 triệu. Điều nay giúp hoa hậu Mai Phương Thúy có lãi ngay 1,45 tỷ đồng sau phiên bắt đáy 1 triệu cổ phiếu HPG hôm 9/4.
Đây không phải lần đầu người đẹp sinh năm 1988 lên tiếng về cổ phiếu HPG. Vào năm 2020, nàng hậu từng có bài phân tích sâu về tập đoàn với những lời khen có cánh như đội ngũ điều hành, chất lượng sản phẩm và tình hình tài chính là những điểm nên nhìn để xem chất lượng của doanh nghiệp và không doanh nghiệp nào đáp ứng tốt nhất các tiêu chí như Hòa Phát.
Kỳ vọng lớn vào Dung Quất 2 đi vào vận hành
Từ đó đến nay, Hòa Phát vẫn liên tục phát triển. Quy mô tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận tập đoàn đã có bước nhảy vọt khi tổ hợp Dung Quất 1 đi vào hoạt động từ năm 2021. Tổng tài sản tính đến cuối 2024 đạt 224.490 tỷ đồng, doanh thu 138.855 tỷ đồng; cùng hơn gấp đôi 2019. Lợi nhuận sau thuế hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 60%.
Trong năm 2025, Hòa Phát đón sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt, đó là khu liên hợp Dung Quất 2 bắt đầu đi vào vận hành. Tập đoàn triển khai đầu tư khu liên hợp Dung Quất 2 trên diện tích 280 ha, vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng vào 2022. Dự án có quy mô 5,6 triệu tấn thép trong đó 4,6 triệu tấn thép HRC và 1 triệu tấn thép chất lượng cao. Phân kỳ 1 có công suất 1,5 triệu tấn. Khi dự án hoàn tất 2 phân kỳ, năng lực sản xuất thép thô của HPG lên 14,5 triệu tấn (8,6 triệu tấn HRC), tăng 70% so với hiện tại.
Tập đoàn kỳ vọng phân kỳ 1 sẽ vận hành trong năm nay (có thể là quý II) và phân kỳ 2 dự kiến cuối năm nay hoặc đầu 2026. Theo Chứng khoán SHS, dự án Dung Quất 2 sau khi hoàn thành toàn bộ sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh, đưa Hòa Phát vào tốp 30 công ty sản xuất thép hàng đầu thế giới. Ngoài ra các chi phí về nguyên liệu, nhân công tại Dung Quất 2 sẽ được tiết giảm do thể tích lò cao lớn hơn gấp 2 lần Dung Quất 1 và HPG áp dụng nhiều công nghệ tự động hóa, qua đó tăng thêm khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm HRC, mở rộng thị phần trong nước và tăng khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao của HPG trong tương lai.
Đây có thể là lý do tập đoàn đặt mục tiêu tham vọng doanh thu 170.000 tỷ đồng năm nay, tăng 21% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, tăng 24,7%.
Bên cạnh mảng thép, Hòa Phát mở ra mảng nông nghiệp, bất động sản, container, điện máy gia dụng. Những mảng này đang phát triển và dần đóng góp lớn vào doanh thu giúp tập đoàn đa dạng hóa nguồn thu. Trong năm 2024, ngành nông nghiệp đóng góp 5% doanh thu và 8% lợi nhuận; mảng bất động sản đóng góp 2% doanh thu và 6% lợi nhuận.
Nợ vay tăng mạnh, xuất khẩu gặp khó
Ngược lại, để có nguồn tiền cho kế hoạch đầu tư, tập đoàn gia tăng nợ vay đáng kể. Tại cuối năm 2024, tổng nợ vay của tập đoàn là gần 83.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2019; bao gồm 55.883 tỷ vay ngắn hạn và 27.080 tỷ vay dài hạn. Xét trên quy mô vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ vay ở mức 72%, ngưỡng khá an toàn và phần lớn gói vay tài trợ cho Dung Quất 1 đã trả hết. Tuy nhiên, đây cũng là một rủi ro rất lớn nếu doanh nghiệp rơi vào tình cảnh mất thanh khoản, đầu ra (doanh thu) không đảm bảo giải quyết câu chuyện gánh nặng chi phí tài chính.
Ngược lại, tiền và tương đương tiền của tập đoàn còn 25.863 tỷ đồng, tỷ trọng 11,5% tổng tài sản, giảm đáng kể so với mức khoảng 20% các năm trước đây.
Mới đây, ban lãnh đạo Hòa Phát đã thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024 và tỷ lệ cổ tức dự kiến 2025 trình ĐHĐCĐ thường niên theo hướng giữ lại tiền để đảm bảo nguồn vốn tiền mặt cho tập đoàn. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ trả hoàn toàn bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% thay vì 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu trước đó. Hòa Phát cho biết quyết định đưa ra trên cơ sở thận trọng sau khi xem xét chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 áp dựng cho nhiều đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Việt Nam (phương án đã được hoãn 90 ngày để đàm phán theo công bố mới nhất của ông Trump).
Theo Chứng khoán SHS, nhu cầu thép toàn cầu trong năm nay dự báo ở mức thấp do nhu cầu từ Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục suy giảm khi hoạt động xuất khẩu chịu tác động từ các chính sách thuế của Mỹ trong bối cảnh thị trường nhà đất vẫn chưa cho các dấu hiệu tích cực. Theo số liệu công bố thì diện tích sàn xây dựng dân cư tại nước này giảm 23% trong năm 2024 xuống mức thấp của năm 2006. Yếu tố này cũng sẽ gây áp lực tới giá các nguyên liệu sản xuất thép trong năm 2025, theo WB giá than của Úc sẽ tiếp tục giảm 12% còn giá quặng sắt đi ngang trong năm tới.
Đồng thời, xu hướng bảo trợ nền sản xuất nội địa ngày càng gia tăng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thép. Ngày 4/4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, mức thuế từ 39,84% đến 88,12%, Công ty TNHH Tôn Hòa Phát – công ty con Tập đoàn Hòa Phát bị áp thuế 49,42%. Theo kế hoạch, sau quyết định sơ bộ này, DOC sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 18/8, trước khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 10/2025.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Cục trưởng Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt Nam bị chịu mức thuế cao do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Do đó, họ sử dụng giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán mức thuế cho Việt Nam. Ngoài thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn phải đối phó với cuộc điều tra trợ cấp đang được DOC tiến hành song song. Kết quả của cuộc điều tra này có thể dẫn đến việc áp thêm thuế đối kháng lên các sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, sự khó khăn trong xuất khẩu có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước khi các dự án đầu tư công được thúc đẩy và thị trường bất động sản khởi sắc. Chứng khoán SHS đánh giá, số vốn đầu tư công theo kế hoạch lên tới trên 790.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2024 và là số cao kỷ lục từ trước tới nay trong đó nhiều dự án như 1.000 km đường cao tốc sẽ phải hoàn thành, đồng thời nhiều dự án mới sẽ được khởi công. Trong trung hạn các dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng và đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt nội đô Hà Nội, TP.HCM sẽ tạo ra nhu cầu lớn về thép.
Mặt khác, thị trường bất động sản trong năm 2024 cho thấy những tín hiệu tích cực, theo CBRE số căn hộ mở bán tại Hà Nội năm 2024 tăng cao nhất trong 5 năm nhưng vẫn được hấp thụ 100%. Năm 2025 nguồn cung đặc biệt tại TP.HCM sẽ cải thiện và giá bán tại cả 2 thị trường đều được dự báo tăng, tỷ lệ hấp thụ cũng được dự báo ở mức tích cực nhờ mặt bằng lãi suất thấp, nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội của Chính phủ và hệ thống văn bản hướng dẫn các Luật mới được hoàn thiện.
Thêm vào đó, để bảo hộ nền sản xuất trong nước, Bộ Công Thương công bố áp thuế chống bán pháp giá tạm thời với một số sản phẩm thép mạ (tôn mạ) từ Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt 37,13% và 15,67%; thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc với mức thuế 19,38% – 27,83%.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận