Huy động hơn 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị, tuy nhiên hầu hết dự án giao thông tại ĐBSCL chậm tiến độ 4-15% chủ yếu vì một lý do
Khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng, trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Đến nay các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL (Ảnh: VGP)
Hầu hết các dự án khu vực ĐBSCL đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15% chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp chưa đáp ứng yêu cầu
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBDCL) sáng ngày 16/10, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công.
Riêng dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%); Dự án Cao Lãnh – Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (qua TP Cần Thơ).
“Mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2024”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhận định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tại Hội nghị sáng 16/10 – Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo, về công tác triển khai thi công, đến nay các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (riêng Dự án Cần Thơ – Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực).
Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15%. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các Nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án.
Bộ GTVT cho biết, Dự án Cần Thơ – Cà Mau và đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất vào 31/12/2024 mới có thể hoàn thành Dự án vào 31/12/2025.
“Nhưng hiện nay, Dự án Cần Thơ – Cà Mau, công suất khai thác, cung ứng cát đắp hàng ngày mới chỉ đạt 54.000m3/76.000m3. Còn dự án Đường Hồ Chí Minh hiện mới chỉ thi công các công trình cầu, đào bóc hữu cơ do chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ. Vì vậy, nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu cho các dự án để đạt công suất theo nhu cầu trong tháng 10/2024 sẽ rất khó đáp ứng tiến độ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho hay.
Về vốn bố trí cho các dự án, Bộ GTVT khẳng định vốn cơ bản đáp ứng tiến độ thi công. Riêng Dự án Cao Lãnh – An Hữu cần bổ sung thêm 250 tỷ đồng, tỉnh Đồng Tháp đang cân đối nguồn vốn của địa phương; Dự án cầu Rạch Miễu 2 cần bổ sung thêm 1.192 tỷ đồng, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giải quyết.
Những vướng mắc khi thực hiện các dự án khu vực ĐBSCL
Nói về khó khăn khi thực hiện các dự án khu vực ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo: Trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án, Bộ GTVT và các địa phương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Riêng Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần trực tiếp kiểm tra hiện trường và làm việc với các địa phương để chỉ đạo, cho chủ trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án.
Tuy nhiên, đến nay, việc cung ứng vật liệu cát đắp vẫn còn vướng mắc về việc mặc dù đã hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác nguồn cát sông nhưng công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Hay như việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng) cần hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác các mỏ trước ngày 30/8 nhưng việc triển khai thủ tục cấp mỏ chưa đáp ứng được tiến độ thi công.
Ngoài ra, nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ; một số mỏ tại tỉnh Tiền Giang có chồng lấn với luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa; một số mỏ tại tỉnh Bến Tre cấp cho nhà thầu nhưng thuộc quy hoạch khai thác khoáng sản thời kỳ 2026 – 2030…
Việc tổ chức khai thác cát biển tại các mỏ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công DATP Hậu Giang – Cà Mau hiện nay đạt khoảng 15.000m3/ngày, mặc dù các nhà thầu đã huy động tối đa phương tiện trên cả nước, nhưng do mức mớn nước thấp nên chỉ sử dụng được các tàu công suất nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Hà Giang
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận