IMF thúc giục Trung Quốc cải tổ nền kinh tế
IMF thúc giục các nhà lãnh đạo Trung Quốc hành động quyết đoán hơn để thúc đẩy nền kinh tế của họ nếu không muốn chứng kiến tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh.
Giám đốc điều IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp thường niên giữa IMF và WB ngày 24/10/2024.
Nền kinh tế thế giới, bị ảnh hưởng bởi xung đột và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng, đang đối mặt nguy cơ tăng trưởng chậm, nợ cao, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cảnh báo hôm thứ Năm (24/10).
Bà cũng thúc giục các nhà lãnh đạo Trung Quốc hành động quyết đoán hơn để thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của họ nếu không muốn chứng kiến tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh.
“Đây là thời điểm đáng lo ngại”, Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp thường niên giữa IMF và Ngân hàng Thế giới.
IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trong năm nay ở mức mà bà Georgieva gọi là “thiếu sức sống”, tăng 3,2%.
Thương mại toàn cầu đang ảm đạm trong bối cảnh xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng – bao gồm cả mối quan hệ “lạnh nhạt” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. “Thương mại không còn là động lực tăng trưởng mạnh mẽ nữa”, bà nói. “Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu phân mảnh hơn”.
Đồng thời, nhiều quốc gia đang phải vật lộn với các khoản nợ vay để chống lại đại dịch COVID-19. IMF dự kiến nợ chính phủ trên toàn thế giới sẽ lên tới 100 nghìn tỷ USD trong năm nay. Con số này tương đương 93% sản lượng kinh tế toàn cầu, dự kiến sẽ đạt tới 100% vào năm 2030.
Bà Georgieva cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nguy cơ tăng trưởng thấp, nợ cao. Điều đó có nghĩa là thu nhập thấp hơn và ít việc làm hơn”.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế không hoàn toàn ảm đạm. IMF cho biết thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc kiềm chế lạm phát tăng vọt vào năm 2021 và 2022 khi các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ bất ngờ sau lệnh phong tỏa vì đại dịch.
Đối với các nước phát triển, quỹ này kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống mức 2% vào năm tới theo mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Áp lực giá đã giảm đáng kể mà không khiến thế giới rơi vào suy thoái. “Đối với phần lớn thế giới, một cuộc hạ cánh mềm đang ở trong tầm với”, bà Georgieva nói.
IMF, một tổ chức cho vay gồm 190 quốc gia, hoạt động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính cũng như giảm nghèo toàn cầu.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất được công bố, quỹ này dự báo nền kinh tế Trung Quốc – vốn từng tăng trưởng mạnh mẽ, sẽ chỉ tăng trưởng 4,8% trong năm nay và 4,5% vào năm 2025, giảm so với mức 5,2% vào năm 2023.
Bà Georgieva thúc giục Chính phủ Trung Quốc chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu và hướng nhiều hơn đến chi tiêu tiêu dùng. Theo bà đây là động lực tăng trưởng “đáng tin cậy hơn”. Bà cho biết, việc “hành động quyết đoán” để đảo ngược tình trạng suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ thúc đẩy niềm tin và sự sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng.
Bà cho biết: “Nếu Trung Quốc không hành động, tiềm năng tăng trưởng có thể chậm lại xuống mức dưới 4%”.
D.Q-AP
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận