Kết nối xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Trung Quốc
Sáng nay (3-12), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Trung Quốc.
Đây là dịp để doanh nghiệp, người sản xuất, xuất khẩu trao đổi, kiến nghị với các bộ, ngành, cơ quan quản lý của Việt Nam – Trung Quốc những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.
Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh
TTXVN đưa tin, phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên đã nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm “thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước”.
Theo thứ trưởng, các địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý vướng mắc về kỹ thuật cho các sản phẩm nông lâm thủy sản, duy trì phát triển thị trường này giữa hai nước sao cho đảm bảo chất lượng và bền vững.
Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động đàm phán mở thêm các sản phẩm mới, bổ sung vùng trồng/vùng nuôi, doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; chủ động ứng phó tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản, duy trì và phát triển thị trường.
Bên cạnh đó là hướng dẫn, giải đáp thắc mắc để doanh nghiệp thực hiện, đáp ứng các quy định về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc; kịp thời nắm bắt và phổ biến các quy định mới về xuất nhập khẩu, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc.
Cơ quan chức năng và các địa phương tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn; tăng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương để đảm bảo cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu.
Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục quan tâm phát triển thị trường nông lâm thủy sản hai nước, đặc biệt là tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm là lợi thế của các tỉnh giáp biên giới hai nước theo hướng bền vững, chất lượng…
TTXVN dẫn thông tin từ Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Hiện tại, Trung Quốc đã cấp phép cho 11 nhà máy sữa và các sản phẩm sữa, 9 doanh nghiệp tổ yến Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Gần đây, khỉ nuôi và cá sấu nuôi cũng có nghị định thư xuất khẩu vào Trung Quốc. Trung Quốc đã công nhận danh sách 48 loài thuỷ sản sống và 128 loại sản phẩm thuỷ sản được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc công nhận 596 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản vào Trung Quốc…
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận