Kết quả bầu cử Mỹ tác động ra sao tới chuỗi cung ứng Việt với đối tác Mỹ?
Bất kể ai thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 5/11, từ những thay đổi về mặt chính sách của họ trong giai đoạn tới, chuỗi cung ứng Việt với đối tác Mỹ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng đến sự hiệu quả và ổn định. Kịch bản cần thiết cho các doanh nghiệp Việt là nên trang bị trước cho mình các chiến lược ứng phó.
Trong những ngày hạ tuần tháng 10 cho đến đầu tháng 11/2024, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp sửa vào “giờ G”, tại 3 thành phố quan trọng của Mỹ là Santa Clara, New York và Boston đã diễn ra chuỗi sự kiện Diễn đàn mùa thu Tp.HCM tại Mỹ nhằm tạo cơ hội hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp (DN) Tp.HCM với các đối tác Mỹ.
Từ khả năng thay đổi về mặt chính sách
Mới đây (30/10), tại thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ), một DN của Việt Nam là CTCP tập đoàn Xelex (chuyên thiết kế, chế tạo các sản phẩm phần cứng phức tạp và các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, có trụ sở tại Tp.HCM) đã ký kết hợp tác với ba đối tác Mỹ cho một dự án sản xuất máy tính bảng.
Đại diện một nhà thu mua lớn ở Mỹ trong một buổi kết nối giao thương với các DN Việt để phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Theo đó, Xelex Việt Nam sẽ cung cấp linh kiện điện tử, các bảng mạch, chiếm khoảng 80% giá trị của máy, cho đối tác ở Mỹ là Practical Technologies (để công ty này kiểm định, lắp ráp và cung cấp cho các trường học của người da màu tại bang Maryland).
Còn trong tháng 11 này, dự kiến một phái đoàn đầu tư của Mỹ sẽ đến Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm về IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), góp ý xây dựng trung tâm tài chính tại Tp.HCM. Trước đó, vào hạ tuần tháng 10/2024, ông Arun Venkataraman, Trợ lý Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ dẫn đầu phái đoàn Mỹ đã đến Việt Nam để trao đổi với các giới chức vào hai lĩnh vực quan trọng là năng lượng sạch và chính sách số nhằm đẩy mạnh hợp tác Việt – Mỹ về an ninh năng lượng và công nghiệp bán dẫn.
Có thể thấy, với những hoạt động kết nối, hợp tác nhộn nhịp như vậy sẽ giúp cho các DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng với các đối tác Mỹ ngày càng hiệu quả thực chất hơn nữa trong giai đoạn tới bất kể ai thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 5/11/2024 là thời điểm bầu cử).
Tuy vậy, cũng nên lưu ý thêm, trong báo cáo phân tích cập nhật hôm 4/11 xoay quanh sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng kết quả bầu cử có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu.
Xét về kịch bản ứng cử viên trúng cử Tổng thống ảnh hưởng tới Việt Nam, Agriseco cho rằng với kịch bản bà Harris đắc cử, các chính sách ôn hòa sẽ không làm thay đổi nhiều về xu hướng kinh tế Việt Nam. Các nhóm ngành xuất khẩu (XK) vẫn sẽ hưởng lợi từ xu hướng ủng hộ thương mại đa phương của ứng viên Đảng Dân chủ.
Riêng với kịch bản ông Trump đắc cử, sẽ có hiều sự thay đổi trong đó có tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập DN, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về Mỹ và Tổng thống của họ có thể can thiệp vào chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tác động tới các ngành nghề và lĩnh vực tương ứng của Việt Nam: Xuất nhập khẩu, FDI, tỷ giá…
Cụ thể hơn nữa, về XK, theo Agriseco, Việt Nam chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách của Trump: Thứ nhất là chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10-20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Thứ hai là khoảng trống do các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sẽ tạo cơ hội cho các DN Việt Nam XK sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.
Đến trang bị trước chiến lược ứng phó
Riêng về dòng vốn đầu tư, chính sách áp thuế nhắm đến hàng hóa Trung Quốc có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi nước này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trên. Bên cạnh đó, chính sách của ông Donald Trump được đánh giá sẽ làm Mỹ tăng lạm phát trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD và nhiều hạng mục kinh tế khác trong đó bao gồm lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thay đổi.
Bộ phận phân tích của Agriseco cũng đưa ra danh sách một số nhóm ngành hàng ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, gồm: Khu công nghiệp, dệt may, đồ gỗ, thủy sản, thép, chất dẻo, năng lượng.
Trong đó, đáng chú ý, nếu như bà Kamala Harris thắng cử, đa phần các nhóm ngành này sẽ chịu ảnh hưởng trung lập hoặc tích cực vì tác động có thể không lớn, không đáng kể, không rõ ràng, tiếp tục hưởng lợi từ lộ trình cắt giảm lãi suất không bị gián đoạn, các chính sách hỗ trợ thị trường, hợp tác thương mại quốc tế, tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo phát triển.
Còn với kịch bản Trump thắng cử, nhóm ngành khu công nghiệp sẽ tích cực vì có thể tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng FDI rời khỏi Trung Quốc tiếp tục mạnh lên. Còn nhóm ngành dệt may chịu ảnh hưởng 2 mặt bởi chính sách thuế (hỗ trợ hàng nội địa Mỹ và tập trung hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc). Tuy nhiên tác động về mặt tích cực sẽ nhiều hơn bởi công nghiệp dệt may thâm dụng lao động lớn, khó có thể bị thay thế bởi nội địa Mỹ
Ngoài ra, nếu như Trump đắc cử, nhóm ngành đồ gỗ cũng sẽ tích cực, dù chịu ảnh hưởng 2 chiều từ chính sách thuế nhưng nhìn chung vẫn được hưởng lợi nhờ chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản. Nhóm ngành thủy sản chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách thuế. Mảng cá thịt trắng (cá tra) có thể được hưởng lợi nhờ thị phần tại mảng này của Trung Quốc tương đối đáng kể. Nhóm chất dẻo chịu tác động 2 mặt từ chính sách thuế, nhưng mức độ ảnh hưởng chưa rõ ràng. Còn nhóm năng lượng tái tạo sẽ kém tích cực, làm chậm tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Alex Saric, Giám đốc Tiếp thị của Ivalua (một công ty phần mềm chuyên cung cấp các giải pháp quản lý chuỗi cung ứng và thu mua), sự khác biệt trong chính sách của hai ứng cử viên bầu cử tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đến việc quản lý chuỗi cung ứng và mô hình hoạt động của DN.
Đứng trước tình hình chính sách thay đổi, ông Alex Saric cho rằng các DN cần trang bị trước cho mình các chiến lược ứng phó như: đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường công nghệ số hóa, điều chỉnh cấu trúc một cách linh hoạt nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng.
“Độ bền vững của chuỗi cung ứng phụ thuộc vào khả năng thích ứng nhanh chóng trước các thay đổi về thuế quan, chính sách thương mại và động thái thị trường. Các tổ chức cần ưu tiên xây dựng một nền tảng dữ liệu thống nhất để có thể đưa ra các quyết định thông minh và linh hoạt khi tình huống thay đổi nhanh chóng”, ông Alex Saric nói.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận