Khủng hoảng năng lượng đẩy Iran đến bờ vực, tạo cơ hội lịch sử cho Tổng thống Donald Trump
Iran đang đối mặt với “năm khủng khiếp”, khủng hoảng năng lượng đẩy hàng triệu người vào giá rét, rial mất giá kỷ lục 801.000/USD, mở cơ hội cho chính sách “áp lực tối đa” của Donald Trump.
Lãnh tụ Tối cao Iran, ông Ali Khamenei, gần đây đã gọi những người ủng hộ dân chúng Iran ở nước ngoài trong bối cảnh đất nước này đang đối mặt với hàng loạt khó khăn là những kẻ “ngây thơ bị quyến rũ bởi mùi thơm của thịt nướng”.
Iran hiện đang vướng vào cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài nhiều tháng. Ảnh: Shutterstock
Nhưng có lẽ câu nói này đã phản tác dụng. Khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng tới, Hoa Kỳ có cơ hội kết thúc vĩnh viễn những mối đe dọa từ Tehran.
Khủng hoảng năng lượng
Iran, quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đáng kể, đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài nhiều tháng, đẩy chế độ đến bờ vực. Bất chấp các lệnh trừng phạt từ chính quyền Tổng thống Joe Biden – được đánh giá là khá lỏng lẻo, Cộng hòa Hồi giáo vẫn tiếp tục tham gia thị trường năng lượng toàn cầu, thu về hơn 140 tỷ USD từ việc bán dầu bất hợp pháp trong ba năm qua.
Tuy nhiên, sự tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém trong nhiều năm, cùng với những ưu tiên mâu thuẫn về việc sử dụng nguồn thu từ năng lượng – chi cho các lực lượng ủy nhiệm ở nước ngoài hay phục vụ người dân trong nước – đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt khí đốt, làm đình trệ sản xuất điện và khiến hàng triệu người dân Iran phải chịu lạnh giá trong mùa đông này.
Mâu thuẫn nội tại ngày càng trầm trọng
Sự nghiêm trọng của tình hình khiến ngay cả các quan chức thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cũng phải thừa nhận tình trạng này là “đáng xấu hổ”. Giá khí đốt được chính phủ trợ giá ở mức thấp khiến nhu cầu luôn cao và các lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng không mang lại hiệu quả.
Tehran cũng không sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại sau các cuộc không kích của Israel trong năm nay, dẫn đến tình trạng cúp điện luân phiên, các ngành công nghiệp phải ngừng hoạt động và thời gian làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp bị rút ngắn. Những khó khăn này càng làm trầm trọng thêm một năm mà nhiều người Iran gọi là “năm khủng khiếp”.
Việc cắt giảm trợ giá hay tăng giá khí đốt có thể là giải pháp, nhưng các giáo sĩ lo ngại điều này sẽ châm ngòi cho các cuộc biểu tình rộng khắp nhằm chống lại chế độ, tương tự như những gì đã xảy ra vào tháng 11 năm 2019 khi một cuộc khủng hoảng năng lượng trước đó nhanh chóng biến thành sự phản đối toàn diện các chính sách của chính quyền.
Nếu khủng hoảng năng lượng không được kiểm soát, Iran có thể đối mặt với các cuộc đình công toàn quốc, tái hiện lại các sự kiện mùa đông năm 1978, thời điểm dẫn đến cuộc cách mạng lật đổ chế độ Shah và đưa các giáo sĩ lên nắm quyền.
Khủng hoảng lan rộng từ nội địa ra quốc tế
Ngoài khủng hoảng năng lượng, đồng tiền của Iran, đồng rial, đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, làm suy giảm nghiêm trọng sức mua của người dân. Tỷ giá không chính thức sau dịp Giáng sinh đã đạt mức 801.000 rial đổi một đô la Mỹ.
Tình hình quốc tế cũng không khả quan hơn. Bất chấp những lời đe dọa sẽ “xóa sổ Israel”, các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hamas và Hezbollah đã chịu những thất bại lớn. Hamas tại Gaza mất đi cơ sở hạ tầng khủng bố, trong khi Hezbollah tại Lebanon cũng tổn thất phần lớn kho vũ khí và các chỉ huy chủ chốt.
Quan trọng hơn, sự sụp đổ của chế độ Assad ở Syria đã cắt đứt một mắt xích chiến lược của Tehran trong việc xuất khẩu khủng bố và đe dọa các lợi ích của Mỹ và Israel. Những thất bại quân sự gần đây càng khiến chế độ Iran thêm chao đảo.
Cơ hội lịch sử cho Tổng thống Donald Trump
Trong bối cảnh khó khăn cả trong và ngoài nước, chính quyền Iran đang cố gắng dập tắt các ngọn lửa bất mãn bằng cách trì hoãn thực thi luật “trinh tiết và hijab” gây tranh cãi, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm một số ứng dụng như WhatsApp và Google Play. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu của sự cải cách mà là thừa nhận sự thất bại và yếu thế.
Với việc trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump có thể tận dụng cơ hội này để tái thiết chính sách “áp lực tối đa” thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế khắt khe và các biện pháp quân sự đáng tin cậy, nhằm cô lập ông Khamenei.
Bằng cách kết hợp áp lực tối đa với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân Iran, Tổng thống Trump có thể giúp họ dập tắt những kẻ đã gây ra bất ổn trong khu vực, từ đó thay đổi cục diện hoàn toàn.
Việt Hà (Theo New York Post)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận