“Kinh tế bạc” lên ngôi tại Trung Quốc
Tình trạng già hóa dân số sẽ làm tăng quy mô thị trường hàng hóa và dịch vụ dành cho người cao tuổi. Điều này sẽ giúp nền kinh tế bạc Trung Quốc phát triển mạnh.
Đến năm 2040, khoảng 30% dân số Trung Quốc trên 65 tuổi (Ảnh: Time)
Trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế chững lại hoặc suy thoái, thì “kinh tế bạc” tại Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng – được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia để khuyến khích mở rộng.
“Kinh tế bạc” là thuật ngữ ám chỉ một lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những người trên 50 tuổi, bao gồm hệ thống trại dưỡng lão, viện chăm sóc người cao tuổi, giải pháp sức khỏe thể chất, tinh thần,… đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi.
Tại Trung Quốc, số lượng các cơ sở và tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đã tăng gấp đôi từ năm 2019 lên hơn 410.000 hiện nay. Văn phòng của Hội đồng Nhà nước đã kêu gọi đẩy nhanh sự phát triển của các tổ chức chăm sóc người cao tuổi và kích thích mức tiêu dùng của người cao tuổi.
Chính phủ nước này đã ban hành hướng dẫn về “Hành động tuổi bạc”, một sáng kiến khuyến khích những người cao tuổi đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và nông nghiệp, cũng như các lĩnh vực có kỹ năng khác, tham gia tình nguyện cho các chương trình nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở các khu vực kém phát triển.
Tình trạng già hóa của Trung Quốc sẽ chỉ gia tăng. Harry Murphy Cruise, một nhà kinh tế tại Moody's Analytics đưa ra dự báo đến năm 2040, khoảng 30% tổng dân số sẽ trên 65 tuổi, từ mức 15% hiện nay, trong khi những người dưới 15 tuổi giảm xuống chỉ còn hơn 10%, từ mức 17% hiện nay.
Tình trạng già hóa và giảm tỷ lệ sinh sẽ làm tăng quy mô thị trường tiềm năng cho hàng hóa và dịch vụ nhắm vào người cao tuổi. Bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa nhanh chóng, khoảng 20.000 trường mẫu giáo Trung Quốc cả khu vực tư lẫn công đã thu hẹp hoạt động, đóng cửa hoàn toàn hoặc chuyển hướng sang các ngành khác để tồn tại.
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng, “kinh tế bạc” sẽ là điểm sáng trong tương lai gần, không chỉ là bộ phận cần đến các dịch vụ cơ bản tại những cơ sở công cộng mà rất nhiều người nghỉ hưu có nhu cầu tìm kiếm cuộc sống chất lượng cao.
“Kinh tế bạc” Trung Quốc đang phát triển nhanh (Ảnh: swisslife)
Doanh nghiệp Trung Quốc luôn tỏ ra nhanh nhạy. Ví dụ, một số công ty sữa sản xuất các sản phẩm sữa cho trẻ em – đã bắt đầu một sản phẩm mới dành riêng cho người trung niên và người cao tuổi, được tiếp thị với các lợi ích đặc biệt như chất lượng giấc ngủ tốt hơn, mật độ xương và hệ thống miễn dịch.
Họ bắt đầu nghĩ ra nhiều thứ, từ phòng tập thể dục dành riêng cho người cao tuổi, đến công nghệ robot giúp việc, hoặc tủ thuốc trang bị trí tuệ nhân tạo, thậm chí nhà thông minh.
Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh vẫn đang cố gắng giảm thiểu những tác động tai hại mà cuộc khủng hoảng dân số già hóa gây ra cho sức khỏe lâu dài của nền kinh tế.
Mới đây, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch chính thức để bắt đầu tăng dần tuổi nghỉ hưu, cố gắng khai thác nhóm lao động lớn tuổi ngày càng tăng để giải quyết tình trạng lực lượng lao động đang suy giảm.
Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2040 nâng độ tuổi nghỉ hưu cho tất cả nam giới từ 60 tuổi hiện nay lên 63 tuổi và đối với nữ lao động trí óc từ 55 tuổi lên 58 tuổi. Lao động chân tay nữ, những người trước đây nghỉ hưu ở tuổi 50, sẽ phải đợi đến khi họ 55 tuổi mới được nghỉ hưu.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận