Kinh tế Đức tiến gần đến ngưỡng suy thoái và nguy cơ không thể quay đầu
Sau 5 năm tăng trưởng trì trệ, tăng trưởng kinh tế Đức hiện nay thấp hơn 5 điểm phần trăm so với mức lẽ ra đạt được nếu duy trì được đà tăng trưởng trước đại dịch COVID-19.
Các lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức rõ việc kinh tế Đức trên bờ vực suy thoái, người dân cũng cảm nhận được, nhưng các chính trị gia nước này vẫn chưa đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Sau 5 năm tăng trưởng trì trệ, tăng trưởng kinh tế Đức hiện nay thấp hơn 5 điểm phần trăm so với mức lẽ ra đạt được nếu duy trì được đà tăng trưởng trước đại dịch COVID-19.
Điều đáng lo ngại hơn là, theo ước tính của Bloomberg Economics, phần lớn đà suy giảm này sẽ rất khó phục hồi.
Nguyên nhân đến từ những cú sốc mang tính cấu trúc, như việc mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, hay các hãng xe đình đám của nước này như Volkswagen và Mercedes-Benz Group chật vật cạnh tranh với các tên tuổi tới từ Trung Quốc.
Sự suy giảm về năng lực cạnh tranh quốc gia khiến mỗi hộ gia đình Đức thiệt hại khoảng 2.500 euro (2.600 USD) mỗi năm.
Với việc Thủ tướng Olaf Scholz nhiều khả năng thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày 23/12 tới, các cuộc bầu cử sớm có thể mở ra cơ hội thay đổi hướng đi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, Chính phủ Đức vẫn đang thiếu những chính sách tham vọng để giải quyết các thách thức cốt lõi.
Bà Amy Webb, nhà sáng lập kiêm CEO của Future Today Institute, tổ chức tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp Đức, nhận định: “Kinh tế Đức không sụp đổ trong một đêm. Chính điều đó làm cho viễn cảnh này trở nên cực kỳ đáng sợ. Đó là một sự suy thoái kinh tế rất chậm, rất kéo dài. Không chỉ của một công ty hay một thành phố, mà là của cả một quốc gia. Và châu Âu cũng sẽ bị kéo theo.”
Kịch bản này có thể được hình dung qua việc Đức mất thêm nhiều ngành sản xuất lớn sử dụng nhiều năng lượng, xuất khẩu giảm do các công ty trong nước thắt chặt đầu tư.
Khi mức sống suy giảm, cử tri bắt đầu tìm người để đổ lỗi, dẫn đến căng thẳng xã hội, gây hạn chế nguồn nhân lực nước ngoài mà Đức đang rất cần.
Số doanh nghiệp tại Đức phá sản trong tháng 10/2024 tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do những khó khăn liên tục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), trừ tháng 6/2024, số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hàng tháng đã tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 6/2023.
Vào tháng 8/2024, Đức ghi nhận trung bình 5,1 vụ phá sản trên 10.000 doanh nghiệp, trong đó lĩnh vực vận tải và kho bãi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tỷ lệ 9,2 vụ phá sản trên 10.000 doanh nghiệp, tiếp theo là lĩnh vực khách sạn với tỷ lệ 7,8.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho biết nhu cầu trong nước và nước ngoài giảm, chi phí năng lượng và lao động cao cũng như gánh nặng thuế và tình trạng quan liêu đang ảnh hưởng đến triển vọng tài chính và kinh doanh.
Những thách thức kinh tế của Đức đang gia tăng, với nhu cầu toàn cầu trì trệ, thiếu lao động lành nghề và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Nền kinh tế Đức hiện được dự báo sẽ suy giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2024, trở thành nền kinh tế hoạt động yếu nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Trong khi đó, theo báo cáo dự báo thường niên do Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức công bố mới đây, nền kinh tế nước này dự kiến sẽ trì trệ trong năm 2024.
Còn số liệu của Viện Ifo Munich cho thấy lòng tin kinh doanh của ngành công nghiệp ô tô Đức xấu đi đáng kể trong tháng 11 do đơn đặt hàng sụt giảm.
Theo số liệu khảo sát của Viện Ifo Munich, thước đo “tâm trạng“ ngành ôtô đã giảm xuống âm 32,1 điểm, từ mức âm 28,6 điểm trong tháng 10/2024.
Chuyên gia ngành ôtô, ông Anita Wölfl, của Viện Ifo cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô đang bị mắc kẹt giữa chuyển đổi sâu sắc, cạnh tranh gay gắt và nền kinh tế yếu kém hiện nay.”
Các công ty đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại tồi tệ hơn đáng kể so với tháng Mười và thậm chí còn bi quan hơn về sáu tháng tới.
Chuyên gia Wölfl cho biết tâm trạng chán nản chủ yếu là do nhu cầu yếu: “Hàng núi đơn đặt hàng mà các công ty trong ngành ôtô tích lũy kể từ đầu năm 2021 do đại dịch COVID-19 và các vấn đề về chuỗi cung ứng đã được xử lý. Các đơn đặt hàng mới đang đến nhưng không đủ để tận dụng công suất.”
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp, cho rằng khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của 2 nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU).
OECD cảnh báo căng thẳng thương mại gia tăng có thể làm gián đoạn nền kinh tế thế giới.
OECD, cơ quan chuyên tư vấn cho các quốc gia công nghiệp về các vấn đề chính sách, kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%. Trong khi, Pháp cũng bị cắt giảm 0,3% trong dự báo tăng trưởng của mình, từ 1,2% xuống còn 0,9%.
Đức và Pháp đã phải vật lộn với hàng loạt thách thức trong năm qua, trong đó những yếu tố chi phối lớn nhất đến hoạt động kinh tế là tình hình chính trị, giá năng lượng cao, đầu tư chậm lại và nhu cầu suy yếu ở các thị trường nước ngoài quan trọng.
Liên minh cầm quyền ba đảng của Đức đã sụp đổ ngày 6/11 do bất đồng về cách giải quyết tình trạng kinh tế suy thoái nghiêm trọng của đất nước, khiến nước này phải tổ chức bầu cử sớm, dự kiến vào tháng 2/2025.
Theo OECD, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm so với mức trung bình của Khu vực đồng euro (Eurozone) là 1,3% trong năm 2024 và 1,5% trong năm 2025. Tuy nhiên, lạm phát thấp và tiền lương tăng sẽ hỗ trợ thu nhập thực tế và tiêu dùng tư nhân, OECD cho biết.
OECD nhấn mạnh mặc dù đầu tư tư nhân sẽ tăng dần, nhờ sự hỗ trợ từ khoản tiết kiệm cao của doanh nghiệp và lãi suất giảm dần, nhưng sự không chắc chắn về chính sách sẽ tiếp tục gây áp lực lên niềm tin của nhà đầu tư./.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận