Kinh tế Nga đối mặt khó khăn vào năm 2025
Nền kinh tế Nga đối mặt nguy cơ đình lạm năm 2025 khi chi tiêu quốc phòng chạm 126,8 tỷ USD, lạm phát dự kiến lên 9,5%, gây áp lực nặng nề lên ngân sách.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, chính quyền Nga đã điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhằm ưu tiên cho nỗ lực chiến tranh. Các biện pháp như cấm xuất khẩu, sử dụng Quỹ Phúc lợi Quốc gia và tăng cường thương mại với các quốc gia ngoài phương Tây đã được triển khai.
Đường phố tại Nga. Ảnh: Kirill Kudryavtsev
Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng chưa từng có, tình trạng thiếu hụt lao động và các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã tạo nên những gánh nặng đáng kể, khiến nhiều chuyên gia cho rằng Nga đang dần chạm đến giới hạn kinh tế của mình.
Các nhà kinh tế chia sẻ với Business Insider rằng mặc dù họ không dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ, nhưng nước này có thể đối mặt với một năm 2025 đầy khó khăn nếu xung đột tại Ukraine tiếp tục kéo dài.
Lạm phát gia tăng
Roman Sheremeta, phó giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý Weatherhead thuộc Đại học Case Western Reserve, nhận định: “Nga đã khởi động những quá trình sẽ tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế từ bên trong”. Ông cảnh báo rằng chiến tranh kéo dài sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách vốn đã chịu nhiều tổn thất của Nga.
Chi tiêu quốc phòng của Nga tăng mạnh, từ 59 tỷ USD năm 2022 lên 109 tỷ USD năm 2023, và dự kiến đạt 126,8 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 32,5% ngân sách liên bang, so với mức 28,3% năm nay.
Mặc dù chi tiêu quốc phòng gia tăng đã thúc đẩy nền kinh tế Nga trong những năm gần đây, nó cũng góp phần đẩy lạm phát lên cao. Tổng thống Vladimir Putin dự đoán lạm phát có thể đạt 9,5% vào năm 2025.
Ngân hàng trung ương Nga đã phải nâng lãi suất cơ bản từ 19% lên 21% vào tháng 10, mức cao kỷ lục, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp bị thu hẹp. Dù giữ nguyên lãi suất trong tháng 12, cơ quan này có thể phải tăng thêm vào năm tới.
Alexander Kolyandr, nhà phân tích tài chính và học giả tại Trung tâm Chính sách Châu Âu, nhận định: “Câu hỏi chính là mức độ lạm phát sẽ tăng cao đến đâu và tốc độ giảm phát sẽ diễn ra như thế nào.”
Trong khi đó, ông Putin thừa nhận lạm phát đang ở mức “tương đối cao” và kêu gọi chính phủ cùng ngân hàng trung ương tìm cách kiềm chế.
Một báo cáo từ Viện TsMAKP cảnh báo rằng việc không kiểm soát được lạm phát có thể đẩy Nga vào tình trạng đình lạm, khi tăng trưởng thấp và lạm phát cao, khó khăn hơn cả suy thoái.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại
Theo Dự báo Kinh tế Thế giới tháng 10 của IMF, tăng trưởng GDP của Nga năm 2025 được điều chỉnh giảm từ 1,5% xuống còn 1,3%.
Iikka Korhonen, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế các nước mới nổi của Ngân hàng Trung ương Phần Lan, cho biết: “Tăng trưởng tổng thể sẽ rất chậm”, nhưng nhấn mạnh rằng Kremlin sẽ ưu tiên đảm bảo nguồn lực cho sản xuất quân sự.
Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực khác dự kiến sẽ co lại. Các lệnh trừng phạt từ Mỹ áp đặt lên Gazprombank và các tổ chức tài chính khác vào tháng 11 khiến đồng ruble sụt giá. Các công ty Nga buộc phải cắt giảm kế hoạch mở rộng, với hơn 200 trung tâm thương mại đối mặt nguy cơ phá sản do gánh nặng nợ nần.
Giá dầu và khí đốt
Nguồn thu từ dầu và khí đốt, mặc dù giảm trong năm 2023, vẫn được dự báo chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách Nga vào năm 2025. Một thỏa thuận trị giá 13 tỷ USD trong 10 năm với Ấn Độ là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tài chính của Nga.
Tuy nhiên, theo Kolyandr, kỳ vọng về nguồn thu từ dầu mỏ có thể “quá lạc quan”, khi giá dầu toàn cầu dự báo giảm từ 80 USD/thùng năm 2024 xuống còn 65-71 USD/thùng năm 2025.
Dự trữ và khả năng ứng phó
Nga hiện có Quỹ Phúc lợi Quốc gia trị giá 131,1 tỷ USD và dự trữ quốc tế khoảng 614,4 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tài nguyên hạn chế và sức ép từ các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục bào mòn nền kinh tế.
Ông Sheremeta nhận định: “Nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm, hạn chế khả năng duy trì chiến tranh”.
Dũng Phan (Theo Business Insider)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận