Kinh tế Thủ đô duy trì đà tăng trưởng
Kinh tế Thủ đô năm 2024 đạt mức tăng trưởng GRDP 6,52% với xu hướng cải thiện qua từng quý (quý I tăng 5,41%; quý II tăng 6,8%; quý III tăng 6,71%; quý IV tăng 7,01%).
Quy mô GRDP khoảng 59 tỷ USD, lớn thứ 2 cả nước
Chiều ngày 3/1/2025, Cục Thống kê TP Hà Nội Họp báo Công bố số liệu kinh tế-xã hội TP Hà Nội năm 2024.
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, TP đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. “Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột chính trị, quân sự; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại tới sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân…, những kết quả trên là tích cực, đáng ghi nhận”- đại diện Cục Thống kê Hà Nội chia sẻ.
Quang cảnh Họp báo.
Với mức tăng trưởng trên, quy mô GRDP khoảng 59 tỷ USD, lớn thứ 2 cả nước, GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8%…
Khu vực dịch vụ tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế với mức tăng cả năm đạt 7,14%, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng GRDP chung toàn TP. Du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều sản phẩm tour đêm thu hút được đông đảo sự tham gia và đánh giá cao của du khách. Năm 2024, ngành du lịch Thủ đô thu hút được 28 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 109,41 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm trước.
Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2024 ước tính tăng 6,21% so với năm trước, đóng góp 1,34 điểm % vào mức tăng GRDP. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì ổn định sản xuất và ký kết được thêm các đơn hàng mới, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô.
Đặc biệt, năm 2024, ghi nhận nỗ lực vượt bậc của hoạt động xuất nhập khẩu của TP. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 19,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu đạt 41 tỷ USD, tăng 9,4%. Kết quả này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng (509.000 tỷ) tăng gần 23,8% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu cả nước.
Năm 2024, TP tập trung chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư và đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các công trình, dự án trọng điểm kịp chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tính chung năm 2024, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 10,5% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 38,7%.
TP cũng chú trọng thu hút vốn đầu tư, tạo mọi điều kiện và cơ chế thông thoáng mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn; dự kiến năm 2024, Hà Nội thu hút gần 2,2 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI.
Cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới
Năm 2025, TP Hà Nội đặt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội gồm 25 chỉ tiêu, trong đó 5 chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 chỉ tiêu xã hội; 7 chỉ tiêu đô thị, nông thôn, môi trường. Trong đó đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 6,5%; GRDP bình quân đầu người 172,4 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo…
Những kết quả khả quan năm 2024 sẽ tạo đà cho Hà Nội tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển” trong năm 2025.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, những động lực cho tăng trưởng của TP năm 2025 sẽ là các động lực truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Năm 2024 khách du lịch tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2025, ngành du lịch Thủ đô Hà Nội đặt mục tiêu phục vụ trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước thực hiện năm 2024. TP tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn liền với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Về xuất khẩu, tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.
Hà Nội cũng tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, đẩy mạnh đầu tư công. Trong đó ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm các dự án giao thông, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 03 lĩnh vực (y tế, di tích và giáo dục)… Tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Hà Nội cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Đổi mới quản trị chính quyền địa phương gắn với chuyển đổi số; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; Nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PARIndex và SIPAS… Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng TP thông minh.
Đánh giá về triển vọng của Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, TP đã làm được những việc rất quan trọng. Với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô (sửa đổi) là hành lang pháp lý quan trọng, tạo nhiều cơ chế đặc thù để phát huy vai trò chủ động, nhất là Luật Thủ đô lại được thực hiện theo tư duy “Hà Nội quyết, Hà Nội làm, Hà Nội tự chịu trách nhiệm”.
TP đang triển khai nhiều điểm theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sắp tới là Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Hà Nội là địa phương tiên phong trong cải cách hành chính, chuyển đổi số. Cùng với đó, xây dựng nền hành chính công thông minh, tinh gọn, kỷ cương và liêm chính. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng Ban…
Các chuyên gia kỳ vọng, bước sang năm 2025, Thủ đô Hà Nội tiếp tục tiên phong, gương mẫu trong triển khai các nghị quyết của Trung ương, xây dựng thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển mạnh mẽ để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận