Kinh tế Trung Quốc năm 2025: Dự báo GDP chỉ tăng 4,5%
Triển vọng kinh tế Trung Quốc 2025 đầy u ám, khi GDP chỉ dự báo tăng 4,5% giữa áp lực giảm phát, khủng hoảng bất động sản và căng thẳng địa chính trị.
Triển vọng kinh tế của Trung Quốc khi tiến vào năm 2025 giống như một bảng tính lộn xộn, đầy những mâu thuẫn. Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm tới lên 4,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Một khu dân cư tại Trung Quốc. Ảnh: Live Mint
Con số này thoạt nhìn có vẻ lạc quan. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích, có thể thấy hy vọng này chỉ như “mành treo chuông”. Các cam kết từ Bắc Kinh rất lớn, nhưng kết quả thực tế lại chưa tương xứng.
Trong năm 2024, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng 4,9%, gần đạt mục tiêu chính thức 5% mà chính quyền đặt ra. Điều này không phải là tệ, nhất là khi nền kinh tế nước này đã đạt mức tăng trưởng 4,8% trong chín tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, những vấn đề căn bản như nhu cầu nội địa yếu, áp lực giảm phát và thị trường bất động sản lao đao lại là những thực tế không thể phủ nhận. Đội ngũ kinh tế của Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã công bố nhiều cải cách và điều chỉnh tài chính. Tuy vậy, nhiều nhà phê bình cho rằng những biện pháp này chỉ mới dừng ở lời nói, chưa đi kèm hành động mạnh mẽ.
Nhu cầu yếu, lời hứa lớn và những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kéo dài ba năm trong lĩnh vực bất động sản, làm suy giảm tài sản hộ gia đình và khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu. Định hướng chuyển dịch sang công nghệ cao và ngành công nghiệp của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chưa tạo được động lực đáng kể.
Xuất khẩu – trụ cột quan trọng giữ ổn định kinh tế đang đứng trước nguy cơ lớn khi Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ có thể áp mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, gây thiệt hại lên tới 570 tỷ USD trong thương mại song phương.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng các biện pháp kích thích truyền thống không đủ để đưa Trung Quốc thoát khỏi tình trạng này. Họ nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần thực hiện cải cách sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến hệ thống lương hưu. Bên cạnh đó, hệ thống hộ khẩu (hukou) – một rào cản lớn đối với sự dịch chuyển kinh tế cũng cần được cải tổ triệt để.
Theo Ngân hàng Thế giới, “các biện pháp truyền thống sẽ không đủ để tái khởi động tăng trưởng”. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh cần từ bỏ các giải pháp ngắn hạn và tập trung vào chiến lược dài hạn.
Lớp trung lưu mong manh
Một vấn đề nghiêm trọng khác là tình trạng của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về sự dịch chuyển kinh tế từ năm 2010 đến 2021 đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm: hơn nửa tỷ người có nguy cơ rơi khỏi tầng lớp trung lưu.
Dù trong 40 năm qua, Trung Quốc đã đưa 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo – một thành tựu mang tính lịch sử, nhưng hiện tại, 38,2% dân số vẫn thuộc nhóm “trung lưu dễ tổn thương”, có nguy cơ rơi trở lại nghèo đói. Đây là những người kiếm được trên 6,85 USD/ngày (theo sức mua năm 2017), nhưng không đủ để đảm bảo sự ổn định tài chính.
Phân tích sâu hơn, khoảng 17% dân số Trung Quốc vẫn sống trong nghèo đói, trong khi chỉ 32,1% thuộc nhóm “trung lưu ổn định”. Phần còn lại chiếm tỷ lệ lớn nhất đang trong tình trạng bấp bênh tài chính.
Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump, thuế quan và những căng thẳng chồng chất
Bên cạnh khó khăn trong nước, Chủ tịch Tập Cận Bình còn phải đối mặt với cơn bão địa chính trị. Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump là kịch bản mà Bắc Kinh không mong muốn. Ông Trump đã tuyên bố sẽ gia tăng áp lực lên hàng hóa Trung Quốc và thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử.
Lần trước, khi ông Trump áp dụng các biện pháp thuế quan, kinh tế Trung Quốc vẫn còn trong trạng thái ổn định hơn hiện nay. Hiện tại, với gánh nặng nợ nần, giảm phát và khủng hoảng bất động sản, nền kinh tế nước này dễ bị tổn thương hơn rất nhiều.
Không chỉ dừng lại ở chiến tranh thương mại, các chính trị gia Mỹ đang kêu gọi một lập trường cứng rắn hơn đối với vấn đề Đài Loan và Biển Đông, làm gia tăng nguy cơ đối đầu giữa hai nước.
Nga, Ukraine và khả năng Mỹ – Nga xích lại gần nhau
Cuộc chiến tại Ukraine càng khiến tình hình trở nên phức tạp. Mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu đang chịu áp lực lớn do Bắc Kinh bị cho là ngầm ủng hộ Nga. Tổng thống Donald Trump còn kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò trong việc kết thúc xung đột, khiến tình hình càng thêm rối ren.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: gây áp lực để Tổng thống Vladimir Putin đạt thỏa thuận hòa bình, nhưng đồng thời có nguy cơ làm suy yếu quan hệ “hữu nghị không giới hạn” với Nga. Trong khi đó, một khả năng khó lường khác là Mỹ và Nga có thể cải thiện quan hệ dưới thời ông Trump, làm tổn hại thêm vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Hà Linh (Theo Cryptopolian)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận