Kỳ vọng tín dụng tăng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
Nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế trong năm 2025 là rất lớn, đòi hỏi phải thúc đẩy các nguồn lực vốn mạnh mẽ, trong đó có vốn tín dụng. Ngược lại, mặt bằng lãi suất thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng tăng, thị trường bất động sản phục hồi… trở thành yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 15%. Mục tiêu này được giới phân tích đánh giá là có khả năng đạt được dựa trên nền tảng kinh tế vững, tiếp tục phục hồi trong năm 2025.
Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ nhiều phía
Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố tác động đến đà tăng trưởng tín dụng trong năm 2025. Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế thuộc Ban Kinh tế Trung ương, nhận định năm 2025 là năm quyết tâm trong điều hành và tổ chức thực hiện các chính sách hướng tới các mục tiêu kinh tế đã đặt ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 – 7% và phấn đấu khoảng 7 – 7,5% đòi hỏi phải thúc đẩy các nguồn lực vốn mạnh mẽ, trong đó có vốn tín dụng.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 có thể đạt mức 15%, tương đương mục tiêu năm 2024 và cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa, khoảng 10%. Mức tăng này dựa trên nền tảng kinh tế vững, tiếp tục phục hồi trong năm 2025.
Năm 2025, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng có thể đạt mức 15%.
Ngoài ra, ngành ngân hàng tiếp tục được hưởng lợi nhờ đầu tư công. Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025, kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2026-2030. Kênh trái phiếu doanh nghiệp dự báo chưa sớm phục hồi, qua đó làm gia tăng vai trò của kênh tín dụng ngân hàng.
Tại Báo cáo phân tích về ngành ngân hàng năm 2025, các chuyên gia Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định: “Tốc độ tăng trưởng tín dụng dự báo tiếp tục duy trì mức 14 – 15% trong năm 2025. Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ: mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng, trong khi cho vay mua nhà cũng có dấu hiệu hồi phục khả quan; tín dụng bán buôn duy trì ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng”.
Phân tích cụ thể, một số chuyên gia cho rằng, nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 có điểm thuận lợi là Chính phủ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh đang và sẽ được cụ thể hóa thông qua cải cách thể chế mạnh mẽ với việc sửa đổi một số luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính. Những cải cách này sẽ tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Dù chính sách luôn có khoảng cách với thực tế, song các bước tháo gỡ này sẽ tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Đây cũng là yếu tố có tính dẫn dắt cho sức cầu tín dụng của các lĩnh vực khác.
Giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rào cản với tăng trưởng tín dụng là sức mua trong nước chưa phục hồi tích cực. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 11 tháng 2024 ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng giai đoạn 2015 – 2019.
Trong bối cảnh diễn biến về nhu cầu tín dụng năm 2025 chưa rõ ràng, TS. Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị, bên cạnh nỗ lực đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế, cần theo dõi và đánh giá sát nhu cầu thực để có giải pháp cung ứng tín dụng phù hợp và hiệu quả, chú trọng chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thường xuyên kiểm soát dòng vốn vào những lĩnh vực có tính đầu cơ và tiềm ẩn rủi ro cao.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Tú Anh cho biết, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào vốn ngân hàng. Việc dựa dẫm quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao.
Bên cạnh đó, tín dụng trên đầu người cao hơn rất nhiều so với GDP bình quân đầu người. “Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP. Phải chăng lượng vốn tín dụng thực sự đi vào nền kinh tế không phải là con số lớn như thống kê chỉ ra?”, ông Tú Anh băn khoăn.
“Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác như thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới”, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế khuyến nghị.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhìn nhận một số kênh huy động vốn trung và dài hạn vẫn còn khó khăn. Chẳng hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ có sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Tú Anh, cần đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù vốn cho nền kinh tế đang phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng, song nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. “Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể “lớn”, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế”, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế nói.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận