Mỹ trừng phạt 398 công ty ở hơn 10 quốc gia vì hỗ trợ Nga trong chiến tranh
Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên 398 công ty tại Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, nhằm ngăn chặn sự hỗ trợ chiến lược và công nghệ cho Nga trong xung đột Ukraine.
Ngày thứ Tư vừa qua, chính phủ Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên 398 công ty tại Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và hơn một chục quốc gia khác, với cáo buộc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ cho cuộc xung đột của Nga và giúp nước này tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tòa nhà Kho bạc được nhìn thấy ở Washington, ngày 4 tháng 5 năm 2021. Ảnh: AP/Patrick Semansky
Động thái này do Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đầu, nhằm trừng phạt các “quốc gia trung gian” bị cho là cung cấp sự hỗ trợ thiết yếu hoặc giúp Nga lách qua hàng ngàn biện pháp trừng phạt mà cộng đồng quốc tế đã áp đặt kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Trong số các công ty bị trừng phạt bởi Bộ Tài chính Mỹ, có 274 công ty bị cáo buộc cung cấp công nghệ tiên tiến cho Nga, bao gồm các công ty sản xuất quốc phòng và chế tạo tại Nga tham gia sản xuất hoặc hoàn thiện các sản phẩm quân sự hỗ trợ khí tài sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngoại giao đối với một số quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga, các công ty quốc phòng của Nga, một số công ty tại Trung Quốc bị cho là xuất khẩu các sản phẩm phục vụ cả dân sự và quân sự, và các tổ chức cũng như cá nhân tại Belarus có liên quan đến việc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Ông Wally Adeyemo, Phó Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, khẳng định rằng Mỹ cùng các đồng minh “quyết tâm làm suy yếu khả năng của Nga trong việc cung cấp trang bị quân sự và ngăn chặn các cá nhân hay tổ chức cố gắng né tránh hoặc vượt qua các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu” mà Mỹ áp đặt.
Hành động này là động thái mới nhất trong chuỗi các biện pháp trừng phạt đã được triển khai từ phía Mỹ nhằm vào các công ty Nga và những nhà cung cấp tại các quốc gia khác từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden thừa nhận rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ không đủ để ngăn cản Nga hoàn toàn khỏi cuộc xung đột tại Ukraine. Nhiều chuyên gia chính sách quốc tế cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, bởi Nga vẫn tiếp tục ổn định kinh tế nhờ doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt trên thị trường quốc tế.
Trong cuộc trao đổi với giới truyền thông để thông tin về các lệnh trừng phạt mới, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nhận định rằng, mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Nga và Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy Nga đang tìm kiếm các hình thức hỗ trợ mới trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài.
Đáng chú ý, Triều Tiên cho biết một quan chức cấp cao của họ sẽ có chuyến thăm Nga, giữa lúc Hàn Quốc và các nước phương Tây cáo buộc rằng Triều Tiên đã gửi hàng nghìn binh sĩ hỗ trợ cho Nga.
Đầu năm nay, Mỹ đã thông qua gói viện trợ cho Ukraine, cho phép chính quyền Washington tịch thu các tài sản nhà nước Nga đang có tại Mỹ và dùng số tài sản đó để hỗ trợ cho Kyiv.
Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 – gồm những quốc gia phát triển – cũng thống nhất hỗ trợ một khoản vay trị giá 50 tỷ USD để giúp Ukraine duy trì cuộc chiến.
Lợi nhuận thu được từ tài sản trị giá khoảng 300 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị đóng băng, chủ yếu tại châu Âu, sẽ được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay này.
Dũng Phan (Theo The Associated Press)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận