Nền kinh tế lớn nhất EU lao đao vì khủng hoảng ngành công nghiệp

Nền kinh tế lớn nhất EU lao đao vì khủng hoảng ngành công nghiệp

Kinh tế Đức đã tránh được cuộc suy thoái trong mùa Hè, nhưng đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm năm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn cùng với những lo ngại về chính sách thuế quan mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Đòn giáng mới

Nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức Thyssenkrupp Steel mới đây đã công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 việc làm vào cuối thập kỷ này (tương đương khoảng 40% lực lượng lao động), trở thành “ông lớn” công nghiệp mới nhất của Đức lựa chọn hành động quyết liệt để vực dậy vận mệnh của mình.

Trong thông báo đưa ra hôm 25/11, công ty cho biết họ đang nhắm đến mục tiêu cắt giảm khoảng 5.000 việc làm vào năm 2030, thông qua việc giảm sản xuất và tinh giản bộ máy hành chính. 6.000 việc làm khác sẽ bị cắt giảm thông qua việc tách ra hoặc thoái vốn.

“Tình trạng dư thừa trên toàn cầu và sự gia tăng nhập khẩu hàng giá rẻ, đặc biệt là từ châu Á, đang gây áp lực rất lớn đối với khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp khẩn cấp để cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động của Thyssenkrupp Steel và đạt được mức chi phí cạnh tranh” – Thyssenkrupp Steel cho hay, đồng thời tiết lộ rằng họ muốn thích ứng với “kỳ vọng của thị trường trong tương lai” bằng cách giảm công suất sản xuất từ ​​11,5 triệu tấn một năm xuống còn từ 8,7 – 9 triệu tấn.

Tin tức này là đòn giáng mới nhất vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nơi các nhà sản xuất lâu đời đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc, những bất lợi truyền thống như chi phí lao động cao và thuế cao, cùng giá năng lượng tăng cao do chiến sự tại Ukraine vào năm 2022.

Trụ sở nhà sản xuất thép Thyssenkrupp tại Essen, Đức. Nguồn: Dailysabah

Nền kinh tế Đức đã suy giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ sau đại dịch Covid-19 bùng phát. Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê Đức cho biết, trong quý 3/2024, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đạt mức tăng trưởng 0,1%, thấp hơn mức dự báo 0,2% của giới phân tích. Và theo dự báo từ Ủy ban châu Âu vào đầu tháng này, nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục suy giảm trong năm nay.

Các “ngôi sao công nghiệp của Đức” đã mờ nhạt trong những tháng gần đây khi sản xuất chậm lại, nhu cầu nước ngoài suy yếu và chi phí tăng. Đối phó với việc giá năng lượng tăng cao cùng với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, nhiều DN lớn của Đức từng thống trị các ngành từ ô tô đến máy móc và thép đã buộc phải cắt giảm chi phí và tái cơ cấu.

Trước thông báo cắt giảm việc làm của nhà sản xuất thép Thyssenkrupp, nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước này là Volkswagen đã tiến hành cải tổ toàn diện nhằm cắt giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh. Volkswagen cho biết, đầu tháng này, họ sẽ giảm 10% lương nhân viên để bảo vệ việc làm và bảo vệ tương lai của công ty. Nhà sản xuất ô tô Đức này cũng có kế hoạch đóng cửa ít nhất 3 nhà máy trong nước và sa thải hàng chục nghìn nhân viên.

Mặc dù không phải là một công ty Đức, hãng sản xuất ô tô Ford tuần trước đã tuyên bố sẽ cắt giảm gần 4.000 việc làm tại châu Âu trong vòng 3 năm tới, chủ yếu là ở Đức và Vương quốc Anh. Công ty Mỹ đã kêu gọi Chính phủ Đức cải thiện điều kiện thị trường cho các nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả việc giảm chi phí cho các nhà sản xuất và tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện.

Mất dần vị thế dẫn đầu

Những rắc rối tại Thyssenkrupp và Volkswagen phản ánh tình hình ngày càng tồi tệ trong khu vực kinh tế tư nhân của Đức. Theo một khảo sát mới nhất của S&P Global và ngân hàng thương mại Hamburg, số lượng nhân sự của các DN sản xuất và dịch vụ tại Đức trong tháng 10 chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong gần 5 năm.

“Khủng hoảng không xảy ra ở ngành ô tô mà ở vị thế là một trung tâm kinh doanh của nước Đức” – người phát ngôn của Hiệp hội ô tô Đức VDA nhận định trong một thông báo hồi tháng 9 vừa qua.

Vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Đức nằm ở chính ngành công nghiệp – lĩnh vực xương sống của nền kinh tế lớn nhất EU. Sản lượng công nghiệp của Đức được dự báo sẽ sụt 3% trong năm nay sau khi đi xuống trong 2 năm liên tiếp, theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI).

“Ngành công nghiệp Đức đang chịu áp lực khổng lồ. Triển vọng phục hồi trong năm 2025 cũng rất mờ nhạt” – Giám đốc điều hành BDI Tanja Gönner nói với đài CNN.

Theo một nghiên cứu gần đây của BDI, khoảng 20% sản lượng công nghiệp của Đức sẽ đối mặt nguy hiểm trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, chủ yếu do chi phí năng lượng cao và các thị trường của hàng hóa Đức thu hẹp.

Báo cáo do Viện Kinh tế Đức và Boston Consulting Group đồng biên soạn cảnh báo: “Đức đang mất dần vị thế dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, như công nghệ đốt trong, mà nước này gây dựng suốt nhiều thập kỷ. Ngoài ra, mô hình xuất khẩu của Đức cũng đang ngày càng chịu nhiều áp lực do căng thẳng địa chính trị gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và điểm yếu đặc trưng”.

Những điểm yếu này bao gồm thuế cao, chi phí năng lượng cao, thủ tục hành chính rườm rà và cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số lỗi thời. Bên cạnh đó, xu hướng dân số già đang đe dọa tới lợi thế về nguồn lao động tay nghề cao của nước này.

Báo cáo kết luận: “Kinh tế Đức đang cần đến nỗ lực chuyển đổi lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2”. “Điều này đòi hỏi phải tăng đầu tư khoảng 1,4 ngàn tỷ euro (1,5 ngàn tỷ USD) trong mọi lĩnh vực từ hạ tầng, đổi mới sáng tạo cho tới giáo dục và công nghệ xanh từ nay đến năm 2030”.

Mối đe dọa từ thuế quan của chính quyền Trump 2.0

Đức – nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, với các sản phẩm chủ lực là ô tô, hóa chất và máy móc. Tuy nhiên, hiện cả 3 ngành này đều đang gặp khó khăn, khi biến động địa chính trị và sự thay đổi trong chuỗi cung ứng những năm gần đây đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể gây khó khăn cho các DN Đức, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các sản phẩm Đức.
Nhiều công ty Đức đã đầu tư khủng vào Mỹ, như hãng sản xuất ô tô BMW, Mercedes-Benz, Volkswagen cùng với các công ty hóa chất và dược phẩm hàng đầu.

Những DN này cũng xuất khẩu hàng hóa được sản xuất từ các nhà máy tại Mỹ, do đó họ có thể bị ảnh hưởng nếu kế hoạch thuế quan mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump dẫn đến một cuộc chiến thương mại trên quy mô lớn.

Trong năm qua, các công ty Đức đã đầu tư 15,7 tỷ euro (16,3 tỷ USD) vào Mỹ. Giá năng lượng rẻ hơn và thuế thấp hơn là những yếu tố thu hút chính, song nhiều công ty Đức cũng đang hưởng lợi từ các ưu đãi từ Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ, điều mà ông Trump đã cam kết sẽ bãi bỏ trong nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.

Tuần trước, ông Joachim Nagel, Chủ tịch Ngân hàng T.Ư Đức Bundesbank, cảnh báo nếu ông Trump thực thi cam kết áp thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu, điều này có thể làm sản lượng kinh tế của Đức giảm 1%.

Nguyễn Phương-Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á chạm đáy mọi thời đại, chưa có dấu hiệu dừng: Chuyện gì đang xảy ra?

Trong phiên giao dịch ngày 26/12, đồng rupee của Ấn Độ đã chạm mức thấp kỷ lục.

Tiếp tục đọc

Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 tăng trưởng 7,17%

Năm 2024, dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã về đích với mức tăng trưởng khá đạt 7,17%. Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của UBND TP Hồ Chí Minh, ngày 26/12.

Tiếp tục đọc

VNS: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hipt gom thêm 2 triệu cổ phiếu Vinasun

Ông Lê Hải Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hipt vừa mua vào hơn 2 triệu cổ phiếu VNS, nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Vinasun lên 8,96%.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay