Nga cảnh báo về ‘giai đoạn mới’ của chiến tranh
Nga cho biết việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga đã đánh dấu “giai đoạn mới của cuộc chiến phương Tây” chống lại Moscow, đồng thời tuyên bố sẽ có phản ứng “tương xứng”.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/11 thông báo Ukraine đã bắn 6 quả tên lửa ATACMS vào khu vực biên giới Bryansk. Hệ thống phòng không Nga chặn được 5 quả, một quả còn lại gây thiệt hại. Cuộc tấn công diễn ra sau khi Mỹ chính thức phê duyệt cho Ukraine sử dụng loại tên lửa này để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Brazil. Ảnh: TASS
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Hội nghị G20 ở Brazil đã chỉ trích hành động này: “Đây rõ ràng là tín hiệu muốn leo thang căng thẳng. Chúng tôi coi đây là giai đoạn mới trong cuộc chiến và sẽ phản ứng tương xứng”. Ông cũng cáo buộc Mỹ hỗ trợ kỹ thuật để Ukraine vận hành tên lửa.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy xác nhận nước này đã nhận được tên lửa ATACMS từ Mỹ và đang phối hợp với các đối tác để tăng cường khả năng tấn công tầm xa. Ông Zelenskyy khẳng định Ukraine sẽ sử dụng tất cả các loại vũ khí sẵn có để bảo vệ lãnh thổ.
Một số quan chức giấu tên từ Ukraine và Mỹ cũng tiết lộ rằng tên lửa ATACMS đã được sử dụng trong cuộc tấn công tại Bryansk, dù quân đội Ukraine không công bố công khai thông tin này.
Trước đó không lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, cho phép Moscow có thể đáp trả hạt nhân ngay cả khi đối mặt với các cuộc tấn công thông thường.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Học thuyết mới cho phép Nga đáp trả hạt nhân nếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga hoặc Belarus bị đe dọa nghiêm trọng”. Trước đó, học thuyết năm 2020 chỉ đề cập đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp Nga đối mặt với nguy cơ tồn vong.
Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi phương Tây đọc kỹ sắc lệnh này và cảnh báo rằng việc Mỹ, Anh, hoặc Pháp cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine sẽ được coi là sự tham gia trực tiếp vào cuộc chiến.
Mỹ và các đồng minh phương Tây lên án mạnh mẽ việc Nga thay đổi học thuyết hạt nhân. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho rằng Nga đang cố “đe dọa và ép buộc” các quốc gia khác thông qua việc sử dụng “ngôn ngữ hạt nhân khiêu khích”. Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ trích Nga “đánh cược nguy hiểm” bằng vũ khí hạt nhân.
Cao Phong (theo TASS, AP, Al Jazeera)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận