Ngành gỗ: Hướng đến kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD
Năm 2024 khép lại xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đã “lấy lại phong độ”, tăng trưởng 20% sau khi sụt giảm gần 16% trong năm trước đó. Với kết quả này theo các chuyên gia, năm 2025 mục tiêu xuất khẩu đạt trên 18 tỷ USD hoàn toàn khả thi.
Năm 2025, ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức từ xu hướng tiêu dùng xanh. Ảnh: Minh Hưng.
Những tín hiệu khả quan
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2024 đạt gần 17,3 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm ngoái. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có chỗ đứng khá vững chắc tại một số thị trường, chiếm được lòng tin của khách hàng.
Có được kết quả này, theo ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) do các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu ( EU) đã qua thời kỳ rất khó khăn, sức mua dần phục hồi. Sau đó là năng lực vượt khó, năng lực cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả của doanh nghiệp (DN) gỗ nước ta. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã hỗ trợ rất tích cực để DN phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu, nhất là những chính sách liên quan đến các gói tín dụng, ưu đãi cho ngành hàng gỗ và thủy sản.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) Trần Quang Bảo cũng cho rằng, bên cạnh những tín hiệu tích cực từ thị trường, trong năm vừa qua, các DN ngành gỗ không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực chế biến, cũng như tích cực xúc tiến tìm kiếm thị trường tiềm năng.
Theo đó, ngành gỗ đã phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao tham gia vào nhiều chương trình giao ban ngoại giao kinh tế để mở ra cơ hội giới thiệu, đưa sản phẩm gỗ đến các công ty, trung tâm mua hàng lớn, đặc biệt là tại thị trường châu Âu và Mỹ. Đây là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong tương lai.
Về nguồn nguyên liệu, theo ông Bảo, hiện nay, sản lượng gỗ rừng trồng hiện đã đảm bảo được khoảng 75% cho nhu cầu sản xuất trong nước và sản lượng gỗ nhập khẩu đang giảm dần trong thời gian qua. Với những kết quả tích cực trong năm 2024, năm 2025 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 18 tỷ USD.
Nhận định về xu hướng thị trường, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Hoa Kỳ vẫn là thị trường quan trọng nhất. Với quan hệ ngoại giao và chính trị tốt thông qua việc hai bên là đối tác chiến lược toàn diện, hy vọng hàng hóa của Việt Nam vẫn rộng đường sang Hoa Kỳ. Các thị trường khác cũng có thể duy trì mức tăng trưởng bình thường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU…
Chủ động thích ứng
Theo Cục Lâm nghiệp, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
Thực tế bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như yêu cầu kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp từ các thị trường xuất khẩu chính, nguy cơ gian lận thương mại, áp lực cạnh tranh và biến động kinh tế toàn cầu… Bên cạnh đó, việc trồng rừng gỗ lớn, đủ chất lượng để phục vụ cho ngành sản xuất nội thất trong nước vẫn còn thiếu, trong đó, thiếu cả về số lượng cũng như sự liên kết giữa vùng trồng, vùng nguyên liệu đến các cơ sở sản xuất, đến những giải pháp để đảm bảo sinh kế cho người dân thực hiện trồng rừng gỗ lớn.
Trong khi đó, ngày càng nhiều hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết đề cập tới kiểm soát bền vững, chống xuất nhập khẩu gỗ bất hợp pháp. Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ nhiều điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển rừng bền vững…
Các chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh các ngành đang đẩy mạnh sản xuất xanh, thương mại xanh, việc gia tăng các biện pháp kỹ thuật với xuất khẩu ngành gỗ là yêu cầu tất yếu, song cũng đặt ra các thách thức đối với DN xuất khẩu, đòi hỏi các DN phải có giải pháp ứng phó tốt với vấn đề này.
Để thích ứng, theo ông Trần Quang Bảo, yếu tố xanh sẽ là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong dài hạn, khi mà nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu. Do đó, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu.
Được biết, để giải quyết thách thức về chứng minh nguồn gốc gỗ xuất khẩu, Bộ NNPTNT đã giao Cục Lâm nghiệp cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm cấp mã vùng trồng, số hóa quy trình cấp mã số cho vùng trồng rừng, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý toàn bộ tài nguyên rừng của Việt Nam.
Theo kế hoạch, trong năm nay, Bộ sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu với mục tiêu rút kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Từ năm 2026 trở đi, quá trình cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận