Ngành thời trang Việt: Cuộc đua giành vị thế với thương hiệu ngoại
Thị trường thời trang trong nước đang đối mặt với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu quốc tế, khi có tới hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng như Chanel, Zara, H&M, Uniqlo… đã có mặt và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam.
Để có thể giành được chỗ đứng trên thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đó, các doanh nghiệp thời trang Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh từ mẫu mã, chất lượng đến giá thành…
Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam
Nỗ lực bằng những sản phẩm chất lượng
Song song với nỗ lực vươn ra thế giới, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tập trung vào thị trường nội địa với những chiến lược phát triển mới. Từ đầu năm đến nay, Tổng công ty Đức Giang đã liên tục mở mới các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc thương hiệu thời trang HeraDG, S.PEARL. Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang Phạm Tiến Lâm cho hay, công ty coi phát triển thị trường nội địa là một trong những chiến lược quan trọng. Trong điều kiện thị trường bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc Tổng công ty Đức Giang tiếp tục giới thiệu đến khách hàng trong nước không gian mua sắm mới là minh chứng cho nỗ lực phát triển thị trường nội địa bằng những sản phẩm thời trang chất lượng.
Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, bên cạnh thương hiệu truyền thống Grus đã gắn liền với thị trường trong nước hơn 30 năm qua, May 10 còn phát triển nhiều dòng sản phẩm tại thị trường nội địa như: May 10 Expert, May 10 Series, May 10 Classic, May10 Classic Suit… Tất cả những sản phẩm dành cho người tiêu dùng trong nước đều được kiểm tra chặt chẽ, thậm chí hơn cả hàng xuất khẩu.
Một tên tuổi khác của làng thời trang Việt là Blue Exchange cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu ngoại. Xuất hiện từ năm 2001, Blue Exchange có hơn 300 cửa hàng trên khắp các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Sở hữu một lượng khách hàng lớn, trung thành, Blue Exchange chiếm thị phần trong nước không hề nhỏ. Với sự thiết kế đa dạng, độc đáo, Blue Exchange đã cho ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, trong đó có các dòng sản phẩm cao cấp về cả thiết kế và chất lượng như Blue man, Blue Lady, Vintage Blue, Premium, Redegle… Ngoài ra, hãng còn liên tục được người tiêu dùng bình luận là hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm qua.
Nhiều nhãn hàng Việt Nam khác như: Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Tổng công ty May Nhà Bè, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ… cũng đã liên tục mở rộng điểm bán tại thị trường nội địa. Chất lượng sản phẩm gắn với xu hướng xanh và tiêu dùng tiện ích đang được các doanh nghiệp phát huy nhằm nỗ lực thúc đẩy ưu tiên “người Việt dùng hàng Việt”.
Tìm cơ hội nâng cao vị thế của mình tại “sân nhà”
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, hiện thị trường nội địa có quy mô 180 tỷ USD và dự báo sẽ đạt con số 350 tỷ USD vào năm 2025. Đây không chỉ là cơ hội cho các nhà bán lẻ mà còn là cơ hội để hàng Việt nâng cao vị thế của mình tại “sân nhà”.
Đáng chú ý, nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt đã thay đổi phong cách mua sắm, không còn tâm lý sính hàng ngoại khi hàng Việt ngày càng có chất lượng, giá cả ổn định, mẫu mã phong phú, đa dạng. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cả hệ thống chính trị vào cuộc với cách làm sáng tạo, hiệu quả đã đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cả nước.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, trong những năm qua nhiều mặt hàng “made in Việt Nam” đã đủ mạnh để chi phối thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, giá thành hợp lý… Do đó, được đông đảo người dân lựa chọn và tin dùng.
“Những điểm mạnh của hàng hóa Việt đó là chất lượng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, người Việt Nam thường lựa chọn sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Với sự quyết tâm nỗ lực của các doanh nghiệp và lựa chọn của người tiêu dùng, hàng hóa Việt Nam sẽ chiếm lĩnh vững chắc tại thị trường trong nước. Từ đó, tiếp tục lan tỏa sức mạnh của mình ra thị trường thế giới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho rằng, giờ là thời điểm các doanh nghiệp dệt may trong nước cần đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử, tạo ra những trải nghiệm mua sắm trực tuyến thân thiện và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng. Để cạnh tranh được với các tên tuổi lớn thế giới đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp thời trang cần đổi mới phương thức quản lý và đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại. Việc chủ động trong nguồn nguyên phụ liệu và nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động cũng là những yếu tố then chốt để các thương hiệu nội địa có thể vươn lên và cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ nước ngoài.
Phân tích của nhiều chuyên gia trong ngành thời trang cũng cho thấy, các nhà kinh doanh thời trang Việt vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thị trường ngay trong thời điểm kinh tế biến động. Tuy nhiên, các thương hiệu thời trang nội địa cần chú trọng tạo nên bản sắc riêng, tăng độ nhận diện thương hiệu để tránh ảnh hưởng khi bị sao chép mẫu mã, đồng thời tìm lối đi riêng trong và ngoài nước.
Thanh Hiền
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận