Nghịch lý kinh tế Nga: Tăng trưởng trong bất ổn
Kinh tế Nga được xem là tăng trưởng nhanh nhất châu Âu nhưng ẩn chứa rất nhiều bất ổn do lạm phát, lãi suất cao; tỷ giá bất ổn.
Kinh tế Nga tăng trưởng cao nhất châu Âu nhưng ẩn chứa rất nhiều rủi ro (Ảnh caspianpost)
Giới quan sát quốc tế cho rằng, nền kinh tế Nga đang chậm lại đáng kể. Đầu tư đã giảm một nửa, chỉ những lĩnh vực liên quan đến công nghiệp quốc phòng mới cho thấy sự tăng trưởng; đồng ruble tiếp tục mất giá, lãi suất và lạm phát tăng nhanh.
Để chống lại lạm phát khoảng 8,7%, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất lên ít nhất 22% đối với doanh nghiệp và 25% đối với cá nhân. Nhóm vận động hành lang chính sách công nghiệp – Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga (RSPP), thậm chí đã đề xuất trao cho chính phủ quyền giám sát một số khía cạnh của chính sách tiền tệ.
Tỷ phú Oleg Deripaska đã nhiều lần chỉ trích việc tăng lãi suất, và ông trùm thép Alexei Mordashov phàn nàn rằng sự phát triển kinh doanh đang bị kìm hãm. Sergei Chemezov, người đứng đầu tập đoàn Rostec, cho biết Nga có thể buộc phải dừng xuất khẩu vũ khí.
Trung tâm phân tích kinh tế vĩ mô và dự báo ngắn hạn đã kêu gọi cắt giảm lãi suất 5 điểm phần trăm vào mùa hè năm 2025 để tránh nền kinh tế rơi vào tình trạng đình lạm.
Lịch sử cho thấy rằng một ngân hàng Trung ương sáng suốt là nền tảng của chính sách tiền tệ hiệu quả và nền kinh tế lành mạnh, và rằng áp lực chính trị thực sự không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, nền kinh tế Nga đang mắc phải mâu thuẫn của chính mình: một mặt, chính phủ đang tăng chi tiêu – hơn 8% GDP, cho các ngành công nghiệp quốc phòng, quân dụng. Điều này tạo ra con số tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng trong năm 2023 và phần lớn năm 2024.
Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nhờ vào dòng chi tiêu mạnh tay của chính phủ ưu tiên cho chiến tranh hơn hết thảy, tổng sản phẩm quốc nội của Nga dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 3,6% trong năm nay. Trong khi đó tăng trưởng kinh tế của EU chỉ đạt 1% trong năm 2024.
Đồng ruble đang ở mức rất thấp so với đô la Mỹ (Ảnh PBS)
Nhưng việc chi tiêu trên đã gây ra lạm phát. Do mức lương quá cao buộc các nhà máy dân sự, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quân sự, phải tăng lương để cạnh tranh và lấp đầy các vị trí việc làm. Mức lương cao đã thúc đẩy lạm phát, đẩy giá hàng hóa hàng ngày lên cao.
Và ngân hàng Trung ương đang cố gắng giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Trong khi đó, đồng ruble giảm giá sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu đắt hơn – vào thời điểm người tiêu dùng Nga đang tăng chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ dài năm mới và Giáng sinh.
Điều này đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó do lãi suất cao làm giảm biên lợi nhuận. Các nhóm vận động hành lang doanh nghiệp phàn nàn rằng các công ty đang thu hẹp kế hoạch đầu tư. Trong khi lĩnh vực kinh tế quốc phòng gần hết dư địa tăng trưởng. Suy thoái và đình lạm có thể xảy ra.
Đồng ruble lao đốc nhanh, chạm mức chưa từng thấy kể từ tháng 3/2022. Tính đến ngày 5/12, đồng rúp đứng ở mức 103 đổi 1 đô la Mỹ. Lý do chính cho sự sụt giảm này là một loạt lệnh trừng phạt mới của phương Tây được công bố vào ngày 21/11, nhắm vào hàng chục ngân hàng Nga, bao gồm cả ngân hàng lớn nhất.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Maksim Reshetnikov giải thích: “Như thường xảy ra các tình huống như vậy, hiện tại có một thành phần cảm xúc quá mức trên thị trường tiền tệ. Kinh nghiệm cho thấy rằng, sau một thời gian biến động gia tăng, tỷ giá luôn ổn định”.
Trương Khắc Trà
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận