Người tiêu dùng Việt Nam coi lạm phát là rủi ro hàng đầu
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi, song kết quả khảo sát cho thấy, 63% người tiêu dùng Việt Nam xem lạm phát là rủi ro hàng đầu trong 12 tháng tới.
Việt Nam đang cố gắng kiểm soát lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồ họa của VOV online
Ngày 11/11/2024, PwC Việt Nam chính thức ra mắt Khảo sát Người tiêu dùng 2024 – Báo cáo tại Việt Nam. Khảo sát được tiến hành với hơn 7,000 người tham gia từ khắp 11 vùng lãnh thổ Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm 515 người từ Việt Nam.
5 thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á
Với chủ đề: “Từ chiến lược đến hành động: Củng cố niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam”, Báo cáo đánh giá: Thị trường hàng hóa toàn cầu đang trải qua những biến động đáng kể do ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội. Những biến động này cũng tác động đến nền kinh tế Việt Nam, một quốc gia với nền kinh tế đang nỗ lực hội nhập và giải quyết các vấn đề nội tại.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang cố gắng kiểm soát lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,34% tính đến tháng 6/2024 và tăng trung bình 4,08% trong nửa đầu năm. Tổng doanh số bán lẻ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù con số này thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với năm 2023.
Trước triển vọng đầy thách thức này, thị trường tiêu dùng Việt Nam vẫn được đánh giá là rất tiềm năng. Theo báo cáo của World Data Lab, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 11 thế giới vào năm 2030, với 80 triệu người tiêu dùng (tăng 34% so với năm 2024).
Với dân số 100 triệu người, Việt Nam dự kiến sẽ nằm trong nhóm 5 thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á, với thu nhập trên 20 USD/ngày tính theo sức mua ngang giá không đổi trong giai đoạn 2021-2030.
Với những kỳ vọng ngày càng gia tăng của người tiêu dùng khi mua sắm tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần áp dụng chiến lược đa kênh một cách linh hoạt.
Cùng với sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada, Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực, mặc dù việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn giữ ở mức cao (63%).
Tương tự như tại Châu Á Thái Bình Dương, người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Họ sử dụng mạng xã hội cho việc mua sắm và tương tác với người bán trong suốt quá trình mua hàng của họ (sử dụng mạng xã hội để tiếp cận các thương hiệu mới và tham khảo các đánh giá trước khi mua hàng).
Tuy nhiên, dường như có sự xói mòn niềm tin khi người tiêu dùng đặt câu hỏi về sự an toàn và độ tin cậy của mạng xã hội cũng như chia sẻ những trải nghiệm mua sắm trực tuyến tiêu cực.
Những vấn đề phải đối mặt
Giá cả gia tăng và việc đảm bảo khả năng chi trả là những thách thức hàng đầu mà người tiêu dùng đang phải đối mặt.
Tương tự như tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nền kinh tế Việt Nam cũng đang từng bước phục hồi.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, việc tăng giá lương thực, năng lượng, nhà ở và các chi phí thiết yếu khác được xem là rủi ro lớn nhất của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam trong 12 tháng tới khi 63% người tiêu dùng Việt Nam xem lạm phát là rủi ro hàng đầu trong 12 tháng tới. (Châu Á Thái Bình Dương là 61%).
Trong khi đó, biến động kinh tế vĩ mô được xếp ở vị trí thứ hai (52%).
Nhìn chung, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn.
Họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu như các mặt hàng xa xỉ, sản phẩm giải trí, sách/báo, ưu tiên các sản phẩm/dịch vụ thiết yếu như nhu yếu phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe.
Cùng với đó, vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của nó đến sự phát triển bền vững đang được cả các doanh nghiệp và chính phủ quan tâm sâu sắc.
Kết quả khảo sát người tiêu dùng cho thấy, 94% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã trải qua những tác động sâu sắc do biến đổi khí hậu lên cuộc sống hàng ngày (Châu Á Thái Bình Dương là 88%); 85% người tiêu dùng Việt Nam sẽ cân nhắc việc mua xe hybrid hoặc xe điện trong 3 năm tới (Châu Á Thái Bình Dương là 78%0; 85% người tiêu dùng Việt Nam sẽ sẵn sàng chi trả cao hơn 10% so với mức giá trung bình cho một sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế/bền vững.
Đặc biệt, kết quả khảo sát cùng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam khá cởi mở với việc sử dụng AI trong các hoạt động ít rủi ro, nhưng vẫn muốn có sự tương tác trực tiếp với con người trong các giao dịch phức tạp.
Cân nhắc nào cho doanh nghiệp?
Theo ông Nguyễn Lương Hiền, Lãnh đạo Dịch vụ Tiêu dùng & Bán lẻ (PwC Vietnam), trong bối cảnh thị trường tiêu dùng Việt Nam ngày càng cạnh tranh và đa dạng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa ra những quyết định chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng.
“Khảo sát người tiêu dùng 2024 cho thấy việc xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt…”, đại diện PwC Vietnam lưu ý.
Theo đó, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang tới những giá trị vượt trội ngoài việc cạnh tranh về giá, xây dựng chiến lược bán lẻ phù hợp với mục đích cá nhân của khách hàng và đồng thời khuyến khích các lựa chọn tiêu dùng có trách nhiệm.
Sự minh bạch, nhất quán và một chiến lược ứng dụng GenAI cùng quản trị rủi ro sẽ là những yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin và thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, thực hành phát triển bền vững một cách thực chất bằng việc minh bạch hóa các thông tin về quá trình sản xuất và có chứng nhận của bên thứ ba sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hoạt động kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.
“Với những bước đi này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ sẵn sàng đối mặt với những thách thức hiện tại mà còn nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong thị trường tiêu dùng Việt Nam, một trong những thị trường được dự đoán là sẽ sôi động nhất thế giới vào năm 2030…”, ông Nguyễn Lương Hiền quả quyết.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận