Nguy cơ thuế quan phủ bóng lên triển vọng kinh tế châu Âu
Trong suốt nhiều tháng, các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp châu Âu đã theo dõi những diễn biến chính trị tại Mỹ với tâm trạng lo lắng. Việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng đang vẽ ra một viễn cảnh đáng lo ngại khi các chính sách bảo hộ thương mại có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế của châu Âu.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác ông Trump sẽ áp dụng cách tiếp cận nào đối với châu Âu về mặt thuế quan nhưng những cảnh báo không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế đã được giới chức châu Âu đưa ra – Ảnh minh họa: TL
Nguy cơ chiến tranh thương mại đe dọa kinh tế châu Âu
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cam kết sẽ áp thuế đối với hầu hết, thậm chí là toàn bộ hàng nhập khẩu, và cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải trả giá đắt vì đã duy trì thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với EU đã tăng mạnh và đang trên đà lập kỷ lục mới trong năm 2024, ước tính đạt khoảng 230 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu là bởi hoạt động xuất khẩu ô tô, hóa chất và dược phẩm của Đức. Ông Trump coi đây là một bằng chứng rõ ràng cho sự bất cân xứng trong quan hệ thương mại giữa hai bên.
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy kế hoạch áp thuế của ông Trump là niềm tin rằng Mỹ đang chịu thiệt thòi do mức thuế thấp hơn đáng kể so với EU. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức thuế trung bình của Mỹ năm 2023 là 3,3%, so với 5% của EU.
Không chỉ dừng lại ở thuế quan, các doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã phàn nàn về các rào cản phi thuế quan từ EU, vốn được cho là gây khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Báo cáo gần đây nhất của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã dành tới 30 trang để liệt kê các rào cản thương mại của EU, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác ông Trump sẽ áp dụng cách tiếp cận nào đối với châu Âu về mặt thuế quan, tuy nhiên, những cảnh báo không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế đã được giới chức châu Âu đưa ra.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel nhận định, nếu được thực thi, kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể khiến Đức thiệt hại khoảng 1% GDP. Tác động của việc áp thuế quan có thể sẽ được cảm nhận rõ rệt trong toàn bộ lĩnh vực công nghiệp Eurozone, và thiệt hại nhiều nhất sẽ rơi vào các nhà cung cấp nhỏ hơn.
Theo dự đoán từ Công ty bảo hiểm Allianz, lượng hàng xuất khẩu trị giá gần 25 tỉ euro của Đức sẽ gặp rủi ro trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa Mỹ với châu Âu vào năm tới. Ngoài ra, xuất khẩu của các nền kinh tế lớn khác là Pháp và Ý cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Chưa hết, châu Âu cũng sẽ bị cuốn vào hậu quả từ cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc. Một làn sóng hàng hóa Trung Quốc mới sẽ được chuyển hướng vào châu Âu, khiến EU phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: hoặc dựng lên bức tường thuế quan của riêng mình và gây ra sự tan rã lớn hơn cho hệ thống thương mại toàn cầu hoặc phải đối mặt với sự xóa sổ của nhiều cơ sở sản xuất nội địa khác.
EU cố gắng chìa cành oliu thương mại với Mỹ
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại có thể leo thang trở lại, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis đã đưa ra tín hiệu hòa giải với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Động thái này được xem như một nỗ lực ngoại giao nhằm tránh một cuộc chiến thương mại có thể khiến liên minh xuyên Đại Tây Dương tổn hại nghiêm trọng.
“Chúng ta không nên mở lại các tranh chấp thương mại cũ và nên tránh các tranh chấp thương mại mới”, ông Dombrovskis nhấn mạnh sau cuộc họp đầu tiên của 27 bộ trưởng thương mại EU kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 5-11-2024.
Theo tờ Telegraph, trong khi Trung Quốc được cho là đã chuẩn bị một gói tài chính dự trữ khổng lồ để sẵn sàng chống đỡ đòn thuế quan từ Mỹ, châu Âu lại chưa thể chuẩn bị một kế hoạch nào như vậy, bởi khu vực này đang rơi vào tình trạng suy yếu về mặt tài chính.
Ông Antonio Tajani, Bộ trưởng Ngoại giao Ý, cho biết đã có kế hoạch đến Washington sau lễ nhậm chức của ông Trump với hy vọng thuyết phục Nhà Trắng tránh một cuộc chiến tranh thương mại có thể khiến các công ty Ý suy yếu. Hơn 10% hàng xuất khẩu của nước này, từ máy móc đến túi xách xa xỉ, được chuyển đến các khách hàng tại Mỹ.
Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cũng hy vọng sẽ xoa dịu ông Trump bằng cách tận dụng một trong những vấn đề được ông quan tâm: khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Thế nhưng, ý định này cũng đang vấp phải những rào cản. Cơ quan năng lượng của EU cho biết nhu cầu LNG của châu Âu đã đạt đỉnh và sẽ giảm xuống mức thấp nhất vào năm 2030 theo lộ trình trong kế hoạch năng lượng tái tạo REPowerEU.
Châu Âu cần chuẩn bị phương án đáp trả
Theo giới chuyên gia, trong trường hợp các nỗ lực đàm phán không thành công, EU cần phải kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo rằng kho vũ khí phòng thủ thương mại của mình đã sẵn sàng cho một cuộc chiến.
Việc áp thuế quan trả đũa là một lựa chọn mà giới chức châu Âu có thể cân nhắc. Hồi năm 2018 – năm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, EU từng áp thuế quan đối với một số sản phẩm được sản xuất tại các tiểu bang chiến trường quan trọng của Mỹ để trả đũa Tổng thống Donald Trump. Một động thái tương tự cũng có thể được thực hiện nhằm gây ra nỗi đau kinh tế cho đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2026.
Bên cạnh đó, một số lựa chọn đáp trả khác cũng có thể được giới chức EU cân nhắc, mặc dù hiệu quả có thể là không lớn. Việc khiếu nại lên WTO, như đã làm hồi năm 2018, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Tổng thống Donald Trump, trong khi các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện.
Sự cấp bách phải đưa ra những thay đổi
Theo tờ Telegraph, trong khi Trung Quốc được cho là đã chuẩn bị một gói tài chính dự trữ khổng lồ để sẵn sàng chống đỡ đòn thuế quan từ Mỹ, châu Âu lại chưa thể chuẩn bị một kế hoạch nào như vậy, bởi khu vực này đang rơi vào tình trạng suy yếu về mặt tài chính.
Kinh tế Eurozone đã quay trở lại tình trạng quen thuộc là tăng trưởng trì trệ, và đang cần một khoản đầu tư công lớn để thoát khỏi khó khăn. Tuy nhiên, bảy quốc gia trong khu vực đang phải chịu tình trạng thâm hụt ngân sách quá mức, trong đó bao gồm Pháp, Ý, Ba Lan và Bỉ. Các quốc gia này thậm chí sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý từ EC nếu không đưa ra được các biện pháp cắt giảm thâm hụt.
Ông Stefan Schaible, người đứng đầu Công ty tư vấn Roland Berger, cho biết ngay cả Đức – nền kinh tế lớn nhất Eurozone, cũng sẽ phải đối mặt với “kịch bản kinh hoàng” trừ khi họ tung ra một đợt đầu tư lên tới 400 tỉ euro vào các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và giáo dục, kèm theo một kế hoạch tái cấu trúc. Thế nhưng, điều này hiện được coi là không khả thi do chính sách hạn chế nợ công – hay còn gọi là phanh nợ, đã được ghi trong Hiến pháp của Đức.
Trong bối cảnh đó, mối đe dọa về một cuộc chiến thương mại với Mỹ đang khiến giới lãnh đạo và doanh nghiệp châu Âu cảm thấy sự cấp bách trong việc đưa ra những thay đổi. Tại một hội nghị kinh doanh diễn ra ở Paris hồi tuần trước, hàng trăm giám đốc doanh nghiệp và nhóm vận động hành lang từ Pháp, Đức và Ý đã kêu gọi châu Âu cần hướng tới một sự thống nhất hơn, hoặc phải đối mặt với hậu quả kinh tế đau đớn.
Các quan chức và giám đốc điều hành tại hội nghị đã cùng nhau thảo luận về một báo cáo của Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong đó kêu gọi châu Âu tăng đầu tư công gần 900 tỉ đô la một năm vào các lĩnh vực như công nghệ và quốc phòng. Các quy định cũng cần được nới lỏng, bởi kể từ năm 2019, EU đã thông qua 13.000 quy định mới cho các doanh nghiệp ở châu Âu, vượt xa con số 3.000 quy định ở Mỹ.
Quan trọng hơn, ông Draghi cho rằng châu Âu cần nỗ lực gấp đôi để kết nối các nền kinh tế trong khối với một thị trường vốn thống nhất và phát hành trái phiếu chung – những đề xuất vốn gây nhiều tranh cãi. Theo ECB, việc thiếu sự hội nhập đang khiến nền kinh tế châu Âu tổn thất lớn, vì các hộ gia đình đang nắm giữ 11.500 tỉ euro tiền mặt và tiền gửi, phần lớn trong số đó không đến được với các công ty cần vốn.
Nguồn: Politico, Telegraph, New York Times, Reuters
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận