Nhà đầu tư “tỉnh giấc” sau các cơn sốt đất đấu giá ở Hà Nội
Sau các đợt đấu giá đất năm 2024 tại một số quận huyện ngoại thành Hà Nội, sức hút hiện đang giảm nhiệt và nhiều nhà đầu tư “ôm” đất đấu giá đang muốn thoát hàng để thu tiền về.
Đất đấu giá hạ nhiệt. (Ảnh: Int)
Ông Trần Anh Đức, Công ty bất động sản ABLand cho biết, hiện công ty này đang có một số quỹ lô đất đấu giá tại Hoài Đức, Thanh Oai, Quốc Oai do nhà đầu tư gửi bán từ giữa tháng 12/2024. Mới có 2 lô được giao dịch, giá ngang với giá mà nhà đầu tư trúng và mua lại trước đó.
Theo ông Đức, thực ra nhà đầu tư đều gửi giá chênh từ 200-300 triệu đồng/lô đối có diện tích 90-110m2, nhưng khách hàng mua họ đều trả giá giảm đúng với giá mà khách hàng gửi. Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, nhà đầu tư quyết định bán bằng với giá mà mình đã mua trước đó. Sở dĩ vì các nhà đầu tư này cần bán ngay là đến ngày trả lãi và gốc ngân hàng nhưng họ chưa xoay được dòng tiền, coi đây là “cắt lỗ” để bảo toàn vốn.
Hiện có 3 lô đất tại Hoài Đức đang gửi ở ABLand có mức trúng đấu giá khoảng 85 triệu đồng/m2, khách hàng cũng muốn bán bằng giá, thuế phí khách mua tự lo. Ông Đức cho biết, đã có khách vào hỏi, nhưng họ vẫn còn cân nhắc nên mua chung cư tại các quận hay mua đất nền để tặng con cái họ đã trưởng thành.
“Hồi tháng 8 – 9 khi thị trường đất đấu giá nóng lên, nhiều nhà đầu tư đã nhảy vào nhằm mua kiếm lời, nhưng một vài tháng sau thị trường đảo chiều, thanh khoản chậm, những nhà đầu tư này buộc phải bán để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng”, ông Đức nói.
Còn ông Phạm Công Hùng, một nhà đầu tư đất nền tại Hà Nội cho hay, nhiều khu đất đấu giá cơ bản có hạ tầng khá chỉn chu nhưng lại không có quy hoạch kết nối tương lai nào để mở rộng kết nối khu vực, nên không có tiềm năng tăng giá nhiều.
Nhà đầu tư đầu cơ mua chờ tăng giá theo sóng thị trường, không đánh giá tiềm năng khu đất, nên khi thị trường gãy sóng, họ bị rơi vào tình trạng “ôm bom”, buộc phải hạ giá bán cắt lỗ.
Trên thực tế, tại những khu vực xung quanh các lô đất đấu giá, thị trường giá loanh quanh 50-60 triệu đồng/m2, thậm chí có những khu nhà ở đã bao gồm tiền xây dựng cũng từ 100-110 triệu đồng/m2, trong khi đó các ô đất trúng đấu giá từ 80-120 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư nếu ôm những lô đất này thì họ đã mua giá của ít nhất 3 năm sau.
Những thông tin mới gần đây nhất cho thấy các dự án đấu giá đất đã và đang hạ nhiệt. Đơn cử như 26 thửa đất (Khu LK2, LK6) tại khu ĐG31/2019 thôn Yên Quán, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai được đấu giá thành công. Với giá khởi điểm 4,7 triệu đồng/m2, phiên đấu giá kết thúc có giá trúng cao nhất là 76,7 triệu đồng/m2 (gấp 16 lần khởi điểm) và thấp nhất là 40,7 triệu đồng/m2 (gấp 8,7 lần).
So với phiên đấu giá đất gần nhất cũng tại khu vực này hồi cuối tháng 11/2024, phiên lần này đã giảm mạnh, khi lô đất có giá trúng cao nhất giảm 18 triệu đồng, tức khoảng 20%. Cụ thể, phiên đấu giá 20 thửa trước đó ghi nhận mức trúng cao nhất gần 95 triệu đồng/m2, thấp nhất gần 71 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại huyện Hoài Đức, giá trúng đấu giá đất cũng giảm khoảng 20% so với thời cao điểm. Cụ thể, giá trúng cao nhất của 2 phiên đầu tháng 11/2024 lần lượt là 103 và 109 triệu đồng/m2, trong khi giá trúng cao nhất của phiên tháng 8 lên tới 133 triệu đồng/m2.
Không chỉ rớt giá mà số lượng người tham gia các phiên đấu giá đất cũng sụt giảm rõ rệt.
Đơn cử, tại huyện Phúc Thọ, hồi tháng 11, phiên đấu giá 12 thửa đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc), khu Hương Nam (xã Xuân Đình), khu Cổng chợ (xã Tích Giang), có hơn 120 hồ sơ với 32 khách hàng đăng ký tham gia. So với hồi tháng 8, 9, lượng người tham gia đã giảm mạnh.
Tương tự, tại huyện Thanh Oai, phiên đấu giá đất ngày 16/11 vừa qua chỉ thu hút 111 người và 400 bộ hồ sơ. Tới ngày 23/11, cuộc đấu giá chỉ thu hút 97 khách hàng với 413 hồ sơ. Những con số này đã giảm mạnh so với phiên đấu giá kỷ lục ngày 10/8 khi thu hút tới 1.500 người tham gia và 4.000 bộ hồ sơ.
Nhận xét về thực trạng các phiên đấu giá đất hạ nhiệt, một số chuyên gia bất động sản phân tích, giá đất trong những phiên đấu giá trước đây đã bị đẩy lên quá cao và khi vượt xa giá trị thực thì khả năng thanh khoản sẽ trở thành vấn đề lớn. Người trúng đấu giá khó bán lại vì không tìm được người mua, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất vay ngân hàng tăng cao và thị trường bất động sản đối mặt với những thách thức về nguồn vốn.
Một nguyên nhân nữa cũng có thể do người mua đã “tỉnh giấc” sau các đợt giá đất tăng chóng mặt, cácnhà đầu tư không còn mặn mà với việc trả giá quá cao để mua bằng được lô đất rồi lại vất vả sang tay kiếm tiền chênh. Vì họ đều thấy rằng mức giá hiện nay đã quá ảo, nếu trong thời gian một tháng không tìm được người mua sẽ phải bỏ cọc nên họ đã cẩn trọng hơn.
Ngoài ra, các khu vực vùng ven Hà Nội như Hoài Đức, Thanh Oai hay Phúc Thọ đều có sự phát triển hạ tầng chưa đồng đều. Những khu vực này có thể hấp dẫn trong ngắn hạn nhưng giá đất bị đẩy lên quá cao sẽ không phù hợp với sức mua thực tế của thị trường, dẫn đến tình trạng “cầm đất chờ thời” kéo dài, làm giảm sức hấp dẫn của đất đấu giá.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận