Nhà kinh tế đoạt giải Nobel: Kinh tế Mỹ có thể sẽ phải chịu cú sốc kép nếu ông Trump được bầu làm tổng thống
Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng các chính sách của ông Donald Trump có thể khiến nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với hai thách thức lớn. Đó là kế hoạch kinh tế có tính lạm phát cao và kế hoạch trục xuất của ông Trump cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, vì nhập cư đã thúc đẩy thị trường việc làm của Mỹ.
Mỹ có thể phải chịu cú sốc kép nếu Trump trở thành tổng thống lần thứ hai, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman cho biết. Đó là kế hoạch tăng thuế đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của cựu tổng thống Mỹ, cũng như kế hoạch thực hiện “cuộc trục xuất lớn nhất trong lịch sử đất nước chúng ta”.
Ông Krugman cho biết hai chính sách nói trên có thể gây ra hậu quả lớn đối với Mỹ.
Kế hoạch thuế quan của ông Trump – bao gồm mức thuế lên tới 20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu và mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc – phần lớn dự kiến sẽ làm tăng giá, với phần lớn gánh nặng rơi vào 80% người Mỹ có thu nhập thấp nhất, theo phân tích từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Kế hoạch kinh tế chung của ôngTrump cũng được cho là có tính lạm phát cao hơn so với kế hoạch của bà Harris. Một cuộc khảo sát do Financial Times và Đại học Chicago thực hiện cho thấy, 70% các nhà kinh tế được hỏi tin rằng kế hoạch kinh tế của ông Trump sẽ gây áp lực tăng giá nhiều hơn so với kế hoạch của bà Harris, ông Krugman lưu ý.
“Vấn đề thuế quan là rất lớn. Chúng ta đang nói về một sự thay đổi triệt để không chỉ với chính sách kinh tế gần đây, mà còn là một sự thay đổi triệt để với 90 năm hỗ trợ của Mỹ cho … tăng cường thương mại. Chúng ta đang nói về một cú sốc lạm phát lớn hơn hầu hết mọi thứ khác mà bạn có thể làm thông qua chính sách liên bang”, ông Krugman nói.
Các chuyên gia khác cũng đã phản đối kế hoạch tăng cường trục xuất của ông Trump. Việc trục xuất 13 triệu người nhập cư không có giấy tờ đang sống tại Mỹ sẽ tốn ít nhất 315 tỷ USD, với tổng chi phí trong thập kỷ tới có thể lên tới 968 tỷ USD, theo phân tích từ Hội đồng Di trú Hoa Kỳ.
Trước đây, ông Krugman cũng đưa ra lập luận rằng nhập cư mang lại sự thúc đẩy to lớn cho nền kinh tế và thị trường việc làm. Đó là vì lao động nhập cư đóng góp vào nguồn cung lao động, giúp tăng trưởng tiền lương và thậm chí có thể giúp kiềm chế lạm phát, ông viết trong bài xã luận trên tờ New York Times.
“Vì vậy, vấn đề thuế quan, và khi bạn kết hợp lại với việc trục xuất hàng loạt, thì đó thực sự là những cú sốc tiêu cực rất lớn đối với nền kinh tế”, ông nói thêm.
Điều đó khác với quan điểm của một số người Mỹ, hầu hết trong số họ đánh giá ôngTrump cao hơn bà Harris về các vấn đề kinh tế. Trong một cuộc thăm dò gần đây của Tạp chí Phố Wall, hơn 50% cử tri được khảo sát cho biết ông Trump “có khả năng xử lý” nền kinh tế tốt nhất, so với khoảng 40% cử tri cho rằng bà Harris có khả năng hơn.
“Các cuộc thăm dò khác nhau đang đưa ra những câu chuyện khác nhau ở đây”, ông Krugman cho biết. “Các nhà kinh tế, cả học giả và kinh tế gia kinh doanh, đều có quan điểm áp đảo rằng ông Trump sẽ tệ hơn nhiều đối với nền kinh tế, đặc biệt là về lạm phát”.
Nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, với lạm phát đã giảm mạnh so với mức cao nhất và tiến gần hơn đến mục tiêu giá 2% của Fed. Kỳ vọng lạm phát một năm là 3%, theo khảo sát mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang New York về kỳ vọng của người tiêu dùng.
Khánh Chi
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận