Nhìn lại dấu ấn thành công của ngành Ngân hàng năm 2024 với nhiều áp lực
Ngày 14/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2024 là một năm kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều biến động phức tạp và khó lường. Với đặc thù là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những biến động này.
Cũng theo Thống đốc, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 có dấu hiệu phục hồi, nhưng tốc độ còn chậm; lạm phát thế giới tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn mục tiêu của nhiều quốc gia.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: AT
Thách thức khi điều hành đa mục tiêu
Đối với kinh tế trong nước, năm 2024 có sự cải thiện với tăng trưởng phục hồi, tuy nhiên, những yếu kém nội tại vẫn cần thêm thời gian để khắc phục. Đặc biệt đối với ngành Ngân hàng, những diễn biến trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cùng tâm lý lo ngại của người dân trước giá vàng cao… cũng tác động chặt chẽ tới hoạt động ngân hàng.
Điều này đặt ra thách thức lớn cho NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ và quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng, phải điều hành để làm sao để đạt được rất nhiều mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; vừa giảm lãi suất nhưng vẫn phải ổn định tỷ giá…
Những áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ
“Mặt bằng lãi suất quốc tế duy trì ở mức cao nhưng áp lực giảm nhờ động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường ngoại hối toàn cầu tiếp tục biến động mạnh, đặc biệt vào thời điểm trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ. Đặc biệt, sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. Giá vàng quốc tế tăng đỉnh điểm, có thời điểm vượt mức 2.700 USD/ounce… Đây là những diễn biến có tác động trực tiếp và gián tiếp tạo áp lực lớn lên công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá tại Việt Nam” – Thống đốc nêu rõ.
Thống đốc nhấn mạnh, năm 2024 là năm đánh dấu sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đối với phát triển kinh tế – xã hội thể hiện qua ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có NHNN.
Về phía NHNN, ngay từ đầu năm, Ban Cán sự Đảng NHNN xác định rõ định hướng, các trọng tâm, trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực công tác. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, địa phương và sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân, năm 2024 là một năm mang dấu ấn thành công của hoạt động hệ thống ngân hàng.
Theo đó, việc điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát bình quân 11 tháng ở mức 3,69%. Chính sách tiền tệ cũng điều hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như điều hành tín dụng góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực.
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm 2023. Tỷ giá cơ bản ổn định, trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và chủ trì hội nghị. Ảnh: AT
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong năm 2024, hai trong số bốn ngân hàng 0 đồng được chuyển giao bắt buộc. Hai ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm phê duyệt trong năm 2024. Với tinh thần rất khẩn trương, hy vọng trong năm 2024, cả 4 ngân hàng đều được chuyển giao bắt buộc. Việc này đánh dấu một quá trình, rất khó, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, ban, ngành.
Trong lĩnh vực thanh toán và chuyển đổi số, năm 2024, ngành Ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, đi đầu, nhận được đánh giá cao từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các mặt hoạt động khác của NHNN cũng đạt được những kết quả tích cực.
Hướng đến năm 2025, Thống đốc nhấn mạnh đây là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. NHNN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa nhóm giải pháp để đạt các mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.
Toàn ngành Ngân hàng đóng góp tích cực vào thành tích chung
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.
Trong năm, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là những tháng gần đây nền kinh tế trong nước khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau cao hơn tháng trước và tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, dự kiến đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội của cả năm 2024.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, uy tín và vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế; niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố.
Đánh giá cao những những kết quả đạt được và đóng góp của ngành Ngân hàng trong năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, trong thành tích chung đạt được của cả nền kinh tế có sự đóng góp quan trọng, tích cực của NHNN với vai trò điều hành vĩ mô chính sách tiền tệ và quản lý hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh tiền tệ, ngoại hối của đất nước; có sự đóng góp tích cực của hệ thống các tổ chức tín dụng với vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu và đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng cao của nền kinh tế.
Tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, là năm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030.
Trong tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục còn diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế nước ta dự báo duy trì đà tăng trưởng tích cực, có những thời cơ, thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều hơn, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng thiên tai…
“Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 theo Kết luận, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngành Ngân hàng cần phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm” – Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.
Ánh Tuyết
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận