Những câu hỏi “nóng” mùa Đại hội cổ đông ngân hàng 2025
Cổ tức, nợ xấu, giá cổ phiếu ì ạch… được dự báo vẫn tiếp tục là tâm điểm chất vấn của cổ đông trong mùa ĐHCĐ năm nay.
Tháng 4/2025 chứng kiến làn sóng đại hội cổ đông (ĐHCĐ) dồn dập trong ngành ngân hàng, khi có tới 22 nhà băng tổ chức họp thường niên. Như thường lệ, các vấn đề “nóng” như chia cổ tức, xử lý nợ xấu và diễn biến giá cổ phiếu tiếp tục trở thành tâm điểm chất vấn từ cổ đông – những người ngày càng kỳ vọng minh bạch và hiệu quả rõ ràng hơn từ Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo các ngân hàng.
Lợi nhuận nghìn tỷ, vẫn không chia cổ tức
Dù nguồn lợi nhuận giữ lại các năm trước lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng một số ngân hàng đã không chia cổ tức năm nay.
Tại SeABank (SSB), dù lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 3.625 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận chưa phân phối lên 3.743 tỷ đồng, ngân hàng này vẫn quyết định không chia cổ tức năm nay. HĐQT cho rằng cần giữ lại lợi nhuận để tăng cường năng lực tài chính và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, đồng thời lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu. Cụ thể, SeABank dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp và phát hành riêng lẻ tối đa 20% cổ phần đang lưu hành cho đối tác chiến lược hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các khoản phát hành đều bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Tại ABBank (ABB), ngân hàng cũng tiếp tục không chia cổ tức, dù lợi nhuận sau thuế đạt 470 tỷ đồng, và tổng lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đạt hơn 2.311 tỷ đồng. HĐQT cho biết việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận nhằm phục vụ chiến lược dài hạn và kế hoạch tăng vốn sắp tới. ABBank sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 18/4 tới, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 là 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng tới 131% so với 2024. Tín dụng dự kiến tăng 16%, tổng tài sản cán mốc 200.000 tỷ đồng, và nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Trong kỳ đại hội cổ đông năm nay, cổ đông Sacombank cũng kỳ vọng được thông qua kế hoạch chia cổ tức sau thời gian dài 9 năm chưa được nhận. Lũy kế cả năm 2024, Sacombank ghi nhận thu nhập thuần từ lãi đạt 24.531 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Tổng lãi trước thuế vượt 12.720 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm trước, còn lợi nhuận sau thuế 10.087 tỷ đồng, tăng gần 31%. Lũy kế, lợi nhuận chưa phân phối của nhà băng này được nâng lên mức 28.426 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cuối năm 2023.
Không riêng 3 ngân hàng trên, việc không chia cổ tức tiếp tục là lựa chọn của nhiều nhà băng, bất chấp lợi nhuận tăng trưởng. Điều này làm dấy lên nhiều tranh luận, khi cổ đông không được nhận cổ tức tiền mặt hoặc cổ phiếu, trong khi một số ngân hàng vẫn ưu tiên phát hành ESOP với giá thấp cho nhân viên – yếu tố thường bị chỉ trích là “không công bằng”.
Nặng gánh nợ xấu
Bên cạnh cổ tức, nợ xấu cũng là chủ đề nổi bật trong mùa đại hội năm nay. Mặc dù lạc quan về triển vọng tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận, song việc kiểm soát nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn của các ngân hàng trong năm 2025. Tỷ lệ nợ xấu tăng, nợ nhóm 5 vẫn khiến nhiều nhà băng đau đầu.
Nợ xấu vẫn là câu hỏi khó khiến HĐQT nhiều ngân hàng đau đầu
Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy, nợ xấu tiếp tục có xu hướng tăng tại nhiều ngân hàng, trong đó nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn – tăng vọt ở không ít nhà băng lớn.
So với đầu năm 2024, nhiều ngân hàng có có số dư nợ xấu tăng lên. Đó là SHB, PGBank, BVBank, MSB, Eximbank, SeABank và KienlongBank, trong đó số dư nợ xấu SHB và PGBank tăng trưởng một chữ số. VPBank, hay Vietcombank chỉ tăng ở mức 2% và 11%, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành.
Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% – mức trần theo quy định – như MBV (7,18%), GPBank (15,87%), VCBNeo (43,76%), DongA Bank (46,1%), SCB (98,5%)… Trong đó, phần lớn là các ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt hoặc chuyển giao bắt buộc.
Nợ nhóm 5 tại hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh theo báo cáo tài chính quý IV/2024. Techcombank và ABBank có tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng cao, lần lượt tăng 136,9%, và 103% so với đầu năm. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng cao lần lượt gồm: Saigonbank (72,41%), Bac A Bank (73,4%), ACB (74%), Sacombank (81,36%), KLB (82%)…
Ở chiều ngược lại, vẫn có những nhà băng ghi nhận nợ nhóm 5 giảm như SHB, TPBank, NCB. Dù vậy, xu hướng chung toàn ngành vẫn là thận trọng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2024, nợ nhóm 2 toàn hệ thống đạt 211.709 tỷ đồng, giảm 7% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng lại tăng 3,4%, lên hơn 733.900 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới ngưỡng 3% trong năm 2025. Cụ thể, Bac A Bank (BAB) kỳ vọng duy trì nợ xấu dưới 1,5%, ACB và PGBank (PGB) dưới 2%, VietinBank (CTG) dưới 1,8%, trong khi các ngân hàng như MSB, ABBank, SeABank đều đặt ngưỡng mục tiêu dưới 3%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2024, tổng số nợ nhóm 2 (các khoản vay có dấu hiệu cảnh báo rủi ro) tại các ngân hàng thương mại là hơn 211.709 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ. Con số này đã giảm 7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm phần lớn, với hơn 118.756 tỷ đồng, tương đương 56,1% tổng nợ nhóm 2 của toàn hệ thống. Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại đến hết năm 2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023.
Vì sao giá cổ phiếu “vua” vẫn ì ạch?
Đây cũng là một trong những câu hỏi được dự đoán sẽ rất nóng trong Đại hội Cổ đông năm nay. Dường như, giá cổ phiếu là vấn đề quan tâm hàng đầu tại các cuộc họp ĐHCĐ của doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là trong trường hợp cổ phiếu của doanh nghiệp bị giảm mạnh.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB), mùa ĐHCĐ các năm trước, câu hỏi vì sao giá cổ phiếu lẹt đẹt là câu hỏi mà HĐQT liên tục nhận được từ cổ đông. Dù 3 tháng đầu năm 2025, cổ phiếu ngân hàng này nhiều phiên cất cánh, ngược dòng làng bank tím lịm, rực rỡ làm hoa khôi, tuy nhiên, tính chung cả năm 2024, SHB vẫn giảm 2%. Sự thăng hoa của mã này thời gian qua sẽ khiến ĐHCĐ SHB vào ngày 22/4 tới đây sẽ khiến cổ đông vui vẻ và dễ tính hơn.
Tuy nhiên, câu hỏi bao giờ cổ phiếu cất cánh sẽ chuyển sang cho ngân hàng khác.
Trong năm 2024, dù ngân hàng vẫn thuộc top cổ phiếu vua nhưng nhiều mã vẫn ngược dòng giảm giá. Trong đó, cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á giảm mạnh nhất năm qua, khi giá trị giảm đi 21% xuống còn 16.750 đồng/cp, tương ứng giảm 4.330 đồng/cp so với đầu năm 2024. Một số mã khác giảm giá như Kienlongbank (KLB) giảm hơn 2%, còn 11.400 đồng/cổ phiếu), ABBank (ABB) giảm hơn 11%, còn 7.400 đồng/cổ phiếu), PGB (giảm 19%), Bắc Á Bank (BAB) gần như đi ngang.
Trong không ít cuộc họp ĐHCĐ các năm trước, nhiều cổ đông đã đứng lên chất vấn với nội dung: Đề nghị doanh nghiệp có chương trình truyền thông phù hợp để hỗ trợ và cải thiện giá cổ phiếu và thanh khoản.
Trong bối cảnh cổ đông kỳ vọng cao vào ngành ngân hàng, họ không chỉ muốn nhìn thấy những bản báo cáo tài chính “đẹp”, mà còn muốn thấy sự chuyển biến thực chất trong chiến lược kinh doanh, xử lý nợ xấu, quản trị rủi ro và cam kết lợi ích cổ đông. Đó là những “câu hỏi khó” mà các ngân hàng buộc phải trả lời thỏa đáng trong mùa đại hội năm nay – không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động rõ ràng hơn.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận