Những yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng 16% vào năm 2025
Ước tính sẽ có khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế trong năm 2025. Giới chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được…
Ước tính sẽ có khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế trong năm 2025. (Ảnh: Int)
NHNN vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, thông báo về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025. Theo đó, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, cao hơn mức mục tiêu 15% trong năm 2024.
Xét trong năm 2024, nếu hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, dư nợ tín dụng toàn ngành sẽ đạt mức hơn 15,56 triệu tỷ đồng. Còn năm 2025 nếu hoàn thành mục tiêu đặt ra ở mức 16%, dư nợ tín dụng của nền kinh tế sẽ đạt mức hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tức tổng dư nợ có thể tăng thêm trong năm 2025 gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Tín dụng tăng trưởng 16%, theo các chuyên gia, các lĩnh vực có khả năng hấp thụ vốn nhiều nhất là: bất động sản, năng lượng, bán lẻ, tiêu dùng, đầu tư công…
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho rằng, năm 2025, NHNN tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ dựa trên xếp hạng tín nhiệm và giám sát các hệ số an toàn vốn… mà không cần đề nghị xin duyệt từ cơ quan quản lý. Chính sách này không chỉ tăng tính linh hoạt cho các ngân hàng mà còn giúp dòng vốn chảy nhanh hơn đến các lĩnh vực cần thiết, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân.
“Cầu về tín dụng và huy động vốn sẽ tiếp tục tăng từ một số ngành chủ chốt của Việt Nam như bất động sản khu công nghiệp (ăn theo tăng trưởng FDI), bất động sản dân cư (nhờ sự cải thiện về tiến trình tháo gỡ pháp lý dự án) và đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo”, ông Nguyễn Quang Thuân nói.
Còn theo chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS), động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Hoạt động tín dụng năm 2025 có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố như sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, sự phục hồi này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.
MBS dự kiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, các công ty phân tích thị trường cũng cho rằng cầu tín dụng tiêu dùng có thể sẽ cải thiện do kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới. Theo nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025 đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.
Nếu như mảng tín dụng bán buôn là một trong những động lực tăng trưởng chính của năm 2024, thì năm 2025, kỳ vọng phân khúc bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng, khi niềm tin tiêu dùng cũng sẽ thay đổi tích cực hơn trước triển vọng của nền kinh tế và sự phục hồi của thị trường lao động. Được biết, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt mức 4.900 USD/ người trong năm 2025.
Với những lý do trên, nhóm phân tích kỳ vọng các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn vào năm 2025.
Mới đây, chia sẻ với báo chí về động lực tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, bày tỏ tự tin và sự lạc quan về cơ hội thực hiện. Điều đầu tiên đó là về thể chế – khi tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội khóa XV thông qua nhiều dự án luật (một luật sửa nhiều luật với tư duy mới, thông thoáng và cải cách thủ tục hành chính).
“Đây chính là điểm có thể kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực vốn bị ách tắc lâu nay, từ đó đóng góp cho tăng trưởng từ năm 2025”, ông Phương nhấn mạnh.
Đặc biệt mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Để đạt được mục tiêu này của Chính phủ, ngành ngân hàng phải nỗ lực giải ngân, bởi hiện nay tín dụng vẫn là kênh cung ứng vốn lớn nhất của nền kinh tế.
Như vậy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt hai con số là một trong những chất xúc tác tiếp sức ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng 16% vào năm tới.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận