Nợ xấu nhiều ngân hàng vọt tăng
Đến hết quý III/2024, nhiều ngân hàng có số nợ xấu tăng mạnh hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, LPBank ghi nhận nợ xấu tăng đến 70% và nợ có khả năng mất vốn tăng đến 132,4%; VIB ghi nhận nợ xấu tăng 37% và nợ có khả năng mất vốn tăng đến 173,4%. Nhiều ý kiến kỳ vọng nợ xấu sẽ được xử lý thực chất trong thời gian tới nhờ kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, thị trường bất động sản ấm lên và tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém được đẩy mạnh.
Nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn tại các ngân hàng quý III/2024 – Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng. Đơn vị tính: nghìn tỷ đồng
Dẫn đầu về tổng số nợ xấu tính đến quý III/2024 là BIDV với con số hơn 33,3 nghìn tỷ đồng. Dù tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chỉ ở mức 1,7% song số nợ này đã tăng hơn 49% so với đầu năm nay. VietinBank với mức nợ xấu 23,2 nghìn tỷ đồng, dù tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 1,4% song ghi nhận mức tăng đến 40% so với đầu năm. Ngoài ra, các ngân hàng có nợ xấu cao là Vietcombank, MBBank, SHBank, Sacombank, VIB với số nợ xấu từ hơn 11 nghìn tỷ đồng đến hơn 17 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, một số ngân hàng ghi nhận số nợ xấu có khả năng mất vốn tăng hơn gấp đôi, như: VIB tăng 173,4%; LPBank tăng 132,4%; Techcombank tăng 127,6%…
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7/2024 ở mức 4,75%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022, song nếu loại trừ nợ xấu của 5 tổ chức tín dụng yếu kém thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,3%. Tuy nhiên, nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng khi quy mô dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 lên tới 165 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,12% tổng dư nợ của nền kinh tế, chưa kể lượng nợ cơ cấu lại trên 2% tổng dư nợ. Trong khi đó, theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng bị hạn chế nhiều so với Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, khiến việc xử lý nợ xấu khó khăn hơn.
“Việc cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu do quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn trong định giá tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Sự chậm trễ này làm tăng nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế khiến việc phân bổ nguồn lực khó đạt hiệu quả cao và chi phí tốn kém, đòi hỏi quyết liệt hơn thời gian tới”, ông Lực đánh giá.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Nền kinh tế vừa mới khôi phục phần nào trong quý III thì lại chịu tác động nặng nề từ cơn bão số 3. Bên cạnh đó, nhiều khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản đã đấu giá hàng chục lần vẫn chưa bán được do thị trường bất động sản phục hồi chưa đồng đều. Mặt khác, quy định về gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ vẫn còn hiệu lực nên nhiều khoản nợ xấu chưa “lộ diện”. Vì vậy, chưa thể nhìn nhận rõ nét về bức tranh nợ xấu ở thời điểm hiện nay”.
Theo ông Huân, nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng phải trích lập dự phòng ở mức cao, dòng tiền đọng ở nợ xấu và trích lập dự phòng khiến năng lực cung ứng vốn của ngân hàng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, cùng với đà cải thiện của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dần hồi phục, thị trường bất động sản ấm lên, tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém được đẩy nhanh hơn, có thể hy vọng nợ xấu sẽ giảm một cách thực chất.
Xuân Yến
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận