Nới lỏng tiền tệ: Mong muốn đi kèm áp lực

Nới lỏng tiền tệ: Mong muốn đi kèm áp lực

Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và điều này cần phát huy sự nhịp nhàng của các chính sách.

Tín hiệu nới lỏng tiền

Ngày 18/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, mức nằm ở cận trên của kỳ vọng thị trường và tuyên bố sẽ tiếp tục tiến trình hạ lãi suất (dự kiến giảm thêm 0,5 điểm % nữa từ nay đến hết năm 2024); giảm thêm 1 điểm % trong năm 2025 và thêm khoảng 0,5 điểm % năm 2026, đưa lãi suất điều hành về mức 3-3,5% cuối năm 2026.

Đây là lần đầu tiên FED cắt giảm lãi suất kể từ tháng 3/2020, sau 11 lần tăng lãi suất liên tục từ tháng 3/2022 và giữ nguyên mức kỷ lục 5,25-5,5% kể từ tháng 7/2023 đến nay. Động thái của FED đưa ra tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm song vẫn kiểm soát được rủi ro lạm phát; đồng thời, tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương triển khai theo nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Việt Nam không nằm ngoài tác động này. Trước tiên, việc giảm lãi suất giúp giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái. Hiện tại, tỷ giá ngoại tệ đang giao dịch ở mức 24.650 VND/USD và đồng VND đã tăng 3,1% so với 2 tháng trước đây. Ngoài ra, việc FED cắt giảm lãi suất cũng tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn, góp phần thúc đẩy giải ngân cho đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Diễn biến thực tế trên thị trường cho thấy, tín hiệu nới lỏng của NHNN được đưa ra khi Fed gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ dịch Covid. Cụ thể, ngày 16/09, NHNN đã giảm lãi suất lãi suất OMO xuống 25 điểm cơ bản còn 4,0%/năm. Đây là lần thứ hai NHNN giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua, quay về mức đầu năm. Trước đó, NHNN đã hạ lãi suất này từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm trong phiên giao dịch 5/8.


“Đáng chú ý, động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh đồng VND đã phục hồi hơn 3% so với USD từ mức thấp nhất trong quý II năm 2024, trong khi lạm phát tháng 8 cũng giảm xuống còn gần 3,5% so với cùng kỳ”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.

Các chuyên gia phân tích nhận định, nhiều khả năng NHNN còn tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất trên OMO khi tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, NHNN tiếp tục không chào thầu trên kênh tín phiếu và trên kênh mua kỳ hạn, nhu cầu từ phía các NHTM khá thấp khi chỉ có 8,8 nghìn tỷ được phát hành trên tổng số 18 nghìn tỷ đồng gọi thầu, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Với lượng đáo hạn lớn (46,4 nghìn tỷ đồng), chốt tuần, NHNN hút ròng 37,57 nghìn tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm mạnh xuống chỉ còn 3,4% (giảm 100 điểm cơ bản) sau hơn 2 tháng giao dịch trong biên độ hẹp, phản ánh mức dồi dào của thanh khoản hệ thống và áp lực tỷ giá hạ nhiệt.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Vốn với doanh nghiệp như trồng trọt cần nước. Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước để tưới cho các mảnh ruộng khô hạn. Chính vì vậy, giải pháp ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo tôi là chính sách trúng và đúng”.

Nới lỏng cần sự nhịp nhàng chính sách

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các NHTM cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện “6 tăng; 6 giảm; 6 tăng tốc, bứt phá” để cùng đất nước phát triển. Trong đó, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà; bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế…

Xung quanh vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm, kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid vẫn đang gắng gượng phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới không nhiều thuận lợi nên doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thiệt hại do bão lụt vừa qua được ước tính giảm 0,15% GDP cả năm so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8 – 7%. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá nhanh và quá mạnh bởi giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.


Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng nhận định để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể như, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua đó khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng việc thi hành các luật vừa được sửa đổi, bổ sung; rà soát để tiếp tục tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý đối với các dự án, đối với việc xử lý tài sản đảm bảo thi hành án; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; mở rộng chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

“Giữ ổn định, phù hợp giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tránh tác động đồng thời, cộng hưởng đến lạm phát trong nước và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp từ cả phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Phó Thống đốc nói.

Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Cựu lãnh đạo của ông lớn ngành thép bị bắt, mở rộng vụ án hối lộ tại Quảng Ngãi

Ông Đinh Văn Chung đã tham gia trực tiếp vào công tác quản lý, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong quá trình xây dựng và vận hành các siêu dự án thép của Hòa Phát.

Tiếp tục đọc

Vì sao thị trường bất động sản phục hồi chậm?

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn so với dự kiến, trong đó tâm lý "chờ đợi" của nhà đầu tư được xem là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, vướng mắc trong khâu cấp phép dự án vẫn tiếp tục gây sức ép lên doanh nghiệp cũng như nguồn cung mới đưa ra thị trường.

Tiếp tục đọc

‘Doanh nghiệp của người Việt ở nước ngoài đã mở rộng sang công nghiệp số’

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thay vì tập trung chủ yếu vào kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đã mở rộng sang công nghiệp số, công nghệ thông tin.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay