Nông nghiệp năm 2024: Sản xuất tăng trưởng đều cả 3 lĩnh vực
Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam kết thúc với sự tăng trưởng sản xuất tại cả ba lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Theo báo cáo kinh tế – xã hội công bố sáng 6/1 của Tổng cục Thống kê (GSO), sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 diễn ra trong điều kiện phức tạp như hạn han ở Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đến các địa phương phía Bắc.
Dù vậy, nhờ sự ứng phó kịp thời từ các bên liên quan, năm 2024 kết thúc với mức tăng trưởng tích cực của sản xuất nông lâm thủy sản, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năm 2024, theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm trước; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Cụ thể, đối với lâm nghiệp, năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 301.300 ha, tăng 1,7% so với năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 117,5 triệu cây, tăng 2,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 23,33 triệu m3, tăng 7,9% do xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tốt; nhu cầu gỗ tại các nhà máy chế biến tăng; giá gỗ nguyên liệu ở mức cao đã khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác diện tích gỗ được thu hoạch. Một số địa phương có sản lượng khai thác gỗ tăng cao như Quảng Ninh tăng 41,7% so với năm 2023; Nghệ An tăng 18%; Quảng Bình tăng 13,7%; Tuyên Quang tăng 10%; Yên Bái tăng 9,8%.
Năm 2024, Việt Nam có 1.627,3 ha rừng bị thiệt hại, giảm 5,5% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 741,8 ha, tăng 10% do những tháng đầu năm thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài ở nhiều địa phương, đến những tháng cuối năm thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo băng tuyết ở một một số địa phương miền núi khiến thực bì chết hàng loạt, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng bị cháy chủ yếu là rừng phục hồi, tre nứa (khoảng 65%) nên khả năng phục hồi cao.
Năm 2024 hơn 23 triệu m3 gỗ được khai thác do xuất khẩu gỗ tăng trưởng tốt. Ảnh: Mekong ASEAN
Về nông nghiệp, diện tích lúa cả năm 2024 ước đạt 7,13 triệu ha, tăng 12.000 ha so với năm trước. Năng suất lúa ước đạt 60,9 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha, chủ yếu do năng suất lúa vụ mùa ở các địa phương phía Bắc giảm vì bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Sản lượng lúa cả năm 2024 của Việt Nam đạt 43,46 triệu tấn, giảm 33.600 tấn so với năm trước. Theo GSO, mặc dù sản lượng lúa năm 2024 giảm do thời tiết không thuận lợi nhưng sản lượng lúa gạo cả năm vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Nguyên nhân là do Việt Nam đã chuyển đổi cơ cấu giống lúa hợp lý, trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương được nâng cao; thực hiện chuyển đổi từ sản xuất lúa gạo từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững như đưa vào sản xuất các giống lúa chịu mặn cho vùng ven biển; ứng dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm” nhằm tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh hợp tác, liên kết theo chuỗi để giảm chi phí, gia tăng giá trị các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Năm 2024, sản lượng lương thực có hạt của Việt Nam đạt 47,87 triệu tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2023, trong đó sản lượng ngô đạt 4,4 triệu tấn, giảm 31.400 tấn.
Trong năm nay, diện tích gieo trồng một số cây hoa màu như ngô, lạc, đậu tương giảm so với năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, nông dân thu hẹp sản xuất để tập trung vào trồng rau hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả, cây làm thức ăn chăn nuôi, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Năm 2024, diện tích trồng cây lâu năm đạt 3,81 triệu ha ha, tăng 1,2% so với năm trước. Trong đó, nhóm cây công nghiệp đạt 2,17 triệu ha, tăng 0,1%; nhóm cây ăn quả đạt 1,3 triệu ha, tăng 2,6%.
Chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm trong năm nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Trong năm 2024, giá thịt lợn hơi tuy có thời điểm giảm nhưng bình quân cả năm vẫn tăng so với năm 2023, số lượng lợn tại thời điểm cuối tháng 12/2024 tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm trước. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, các địa phương đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi liên kết tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.
Hiện nay, theo GSO, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm để cung ứng ra thị trường vào dịp lễ, Tết. Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ trong nước, cần thực hiện quyết liệt đồng thời nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hiệu quả việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, không rõ nguồn gốc nhằm đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Tính đến ngày 30/12/2024, cả nước không còn dịch lợn tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Thanh Hóa; dịch lở mồm long móng còn ở Lào Cai, Đăk Lăk; dịch viêm da nổi cục còn ở Sơn La, Quảng Ngãi, Tiền Giang và dịch tả lợn châu Phi còn ở 18 địa phương chưa qua 21 ngày.
Về thủy sản, năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 9,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ươc đạt 5,72 triệu tấn, tăng 4% so với năm trước và sản lượng khai thác ước đạt 3,82 triệu tấn, tăng 0,3%.
Trong năm 2024, tình hình nuôi trồng cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển do xuất khẩu cá tra tăng, giá bán duy trì ổn định khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi. Sản lượng cá tra quý 4/2024 ước đạt 597.800 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; cả năm 2024 ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 4,8%.
Tôm nước lợ nuôi trồng chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh đó, báo cáo GSO cho biết, nhu cầu tiêu dùng và giá tôm thẻ chân trắng liên tục tăng những tháng cuối năm nên người dân mạnh dạn thả nuôi. Sản lượng tôm thẻ chân trắng quý 4/2024 ước đạt 191.200 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; cả năm 2024 ước đạt 897.600 tấn, tăng 6,3%. Sản lượng tôm sú quý 4/2024 ước đạt 54.200 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; cả năm 2024 ước đạt 266.500 tấn, tăng 3,6%.
Lê Hồng Nhung
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận