Ông lớn khí đốt Đức phản pháo quy định mới của EU
Đức đang vấp phải phản ứng từ các doanh nghiệp khí đốt trong nước khi điều chỉnh luật để phù hợp với quy định mới của EU về dự trữ khí đốt.
Đường ống Nord Stream từng đưa khí đốt Nga đến Đức. Ảnh: Xinhua
Reuters đưa tin, Hiệp hội các nhà khai thác lưu trữ khí đốt của Đức (INES) cảnh báo rằng, các điều khoản trong dự thảo sửa đổi có thể không chỉ gây bất công mà còn làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông tới.
Theo dự thảo đang được Bộ Kinh tế Đức lưu hành để chuẩn bị cho mùa đông 2025-2026, các kho dự trữ khí đốt sẽ phải đạt mức lấp đầy ít nhất 80% vào ngày 1.11.
Tuy nhiên, có 6 cơ sở lưu trữ – gồm Bad Lauchstädt, Frankenthal, Haehnlein, Rehden, Stockstadt và Uelsen – chỉ được đặt mục tiêu 45%.
INES cho rằng sự khác biệt này là “thiếu công bằng” và làm lệch chuẩn vận hành giữa các nhà khai thác.
Những điều chỉnh nói trên được đưa ra nhằm tuân thủ quy định nới lỏng mà EU vừa thông qua vào tháng trước, cho phép các quốc gia thành viên giảm 10% so với mức yêu cầu lấp đầy 90% trước đây.
Quy định ban đầu được áp dụng từ năm 2022, sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu, buộc khối EU phải siết chặt dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy các yêu cầu này có thể gây ra chi phí khổng lồ, đặc biệt trong bối cảnh giá khí vẫn chưa hạ nhiệt hoàn toàn.
Không chỉ phản đối mục tiêu lấp đầy vào đầu mùa, INES còn chỉ trích sự “bất hợp lý” trong quy định tồn kho vào cuối mùa đông. Dự thảo yêu cầu các kho phải còn ít nhất 30% dung tích vào ngày 1.2.2026. Song 4 cơ sở – Bierwang, Breitbrunn, Inzenham-West và Wolfersberg – lại bị yêu cầu cao hơn, tới 40%.
INES cảnh báo rằng mức tồn kho cao vào cuối mùa có thể khiến nguồn cung thực tế bị bóp nghẹt, đặc biệt nếu nhu cầu đỉnh điểm xảy ra trong tháng 1 hoặc đầu tháng 2.
“Việc yêu cầu duy trì mức dự trữ cao ở một số cơ sở có thể khiến thị trường bị căng thẳng không cần thiết trong thời điểm cần giải phóng khí để sưởi ấm và sản xuất” – Reuters dẫn lời một đại diện INES nêu rõ.
Trước các chỉ trích, Bộ Kinh tế Đức vẫn chưa đưa ra phản hồi cụ thể. Người phát ngôn Bộ này cho biết, dự thảo vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến và chưa được trình lên nội các.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc điều chỉnh luật lưu trữ khí đốt, dù mang tính kỹ thuật, có thể tác động rộng khắp đến thị trường năng lượng toàn EU. Với vai trò là quốc gia tiêu thụ và dự trữ khí lớn nhất lục địa, bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Đức đều có khả năng làm thay đổi cán cân cung cầu trên toàn khối.
Song Minh
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận