Phản ứng của khách hàng trước thông tin Bách Hoá Xanh ‘hoàn tiền cho khách mua giá đỗ nhiễm hoá chất’
Mới đây, Bách Hóa Xanh thông báo sẽ hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác cho các khách hàng cung cấp hóa đơn (giấy hoặc điện tử) ghi nhận mua giá đỗ Lâm Đạo
Cụ thể, khách hàng chỉ cần xuất trình hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử từ hệ thống tích điểm của Bách Hóa Xanh, xác nhận đã mua giá đỗ từ nhà cung cấp Lâm Đạo, sẽ được hoàn tiền. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể chọn đổi sang sản phẩm khác nếu muốn.
Sau thông tin Bách Hóa Xanh cam kết hoàn tiền cho khách đã mua giá đỗ nhiễm hóa chất, nhiều người tiêu dùng đã bày tỏ phản ứng gay gắt, đa số đều không đồng tình với cách giải quyết vụ việc trên, vì việc bán sản phẩm ngâm hóa chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Phản ứng của khách hàng trước thông tin Bách Hoá Xanh 'hoàn tiền cho khách mua giá đỗ nhiễm hoá chất'
Sản phẩm nhiễm hóa chất cấm cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày (Ảnh: Uy Nguyễn)
Bảo Ân: ''Hoàn tiền làm gì trong khi nhiều khách đã sử dụng trong thời gian dài. Bao nhiêu tiền cũng không bằng việc sức khoẻ bị ảnh hưởng. Nếu biết chú trọng sức khoẻ khách hàng và kiểm tra nghiêm ngặt chắc sẽ không có chuyện như thế này xảy ra trong thời gian dài như vậy''.
DongDucNguyen: ''Hóa đơn cái gì yêu cầu rà soát lại trên hệ thống của BHX tại khu đó rồi gửi tin nhắn cho họ nếu có dùng ứng dụng của BHX.''
Tô Ngọc Thanh: ''Hoàn tiền chứ có hoàn sức khoẻ đâu?''
“Một bịch giá chỉ 5.000-10.000 đồng, việc hoàn tiền có thấm gì so với sức khỏe của khách hàng đã sử dụng sản phẩm nhiễm hóa chất nguy hiểm”, chị Thùy Dung (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bức xúc.
Tương tự, anh Hữu Vinh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng điều mà chuỗi siêu thị nên làm là rà soát lại quy trình kiểm soát đầu vào chất lượng hàng hóa, nhất là hàng tươi sống.
“Tiền mua giá đỗ không đáng bao nhiêu nhưng quan trọng là sức khỏe người tiêu dùng và lòng tin của họ với hàng hóa của Bách Hóa Xanh. Bởi thực tế, nhiều người vẫn thường lựa chọn mua hàng tại các siêu thị vì sản phẩm đảm bảo, nguồn gốc, chất lượng được kiểm chứng”, anh nhìn nhận.
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine tại 6 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột.
Đáng chú ý, chỉ riêng năm 2024, nhóm này đã sản xuất và bán ra thị trường hơn 2.900 tấn giá đỗ chứa hóa chất cấm, trung bình mỗi ngày cung cấp 8-10 tấn.
Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo – nhà cung cấp giá đỗ cho Bách Hóa Xanh – thừa nhận đã cung cấp 350-400 kg giá đỗ/ngày cho chuỗi này.
Sau khi có thông tin, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngừng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này, đồng thời kiểm nghiệm lại toàn bộ sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.
Theo Bách Hóa Xanh, nhà cung cấp Lâm Đạo chỉ cung cấp giá đỗ cho khu vực Đắk Lắk, chiếm khoảng 2% tổng sản lượng giá đỗ trong toàn chuỗi.
Hiện, Bách Hóa Xanh cũng đã gửi văn bản đến Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và các hệ thống phân phối để thông báo và phối hợp xử lý vụ việc.
Bách Hóa Xanh khẳng định toàn bộ sản phẩm nhập vào hệ thống đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý. Chất 6-Benzylaminopurine, Bách Hóa Xanh nói, là hoạt chất không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm theo Thông tư 09 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đơn vị này cũng đang chờ cơ quan chức năng hướng dẫn cách giải quyết.
Lan Anh (t/h)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận