PHÁP LUẬT THỪA KẾ Ở VIỆT NAM: CÁC HÌNH THỨC THỪA KẾ
Pháp luật thừa kế Việt Nam quy định hai hình thức thừa kế di sản là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Di sản của người chết có thể vừa được chia theo di chúc, vừa được chia theo pháp luật hoặc di sản chỉ được chia theo một hình thức là chia hết theo di chúc hoặc chia hết theo pháp luật. Việc chia thừa kế theo hình thức này hoặc hình thức kia tuỳ thuộc việc người chết có để lại di chúc hay không hoặc tuỳ thuộc vào phần của di chúc không có hiệu lực thi hành hoặc toàn bộ di chúc không có hiệu lực trong việc chia di sản của người để lại di chúc.
1/ Thừa kế theo di chúc
Di chúc
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Thừa kế theo di chúc là việc phân chia di sản của người lập di chúc cho những người thừa kế được chỉ định hưởng di sản sau khi người để lại di sản theo di chúc chết. Những người được chỉ đinh thừa kế theo di chúc, được hưởng phần tài sản mà người lập di chúc đã chỉ định rõ trong di chúc và không phụ thuộc vào việc người đó có thuộc một các mối quan hệ trên với người để lại di sản theo di chúc hay không.
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho họ hưởng di sản hoặc chỉ cho họ hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
– Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhằm hạn chế quyền tự định đoạt của người lập di chúc nếu người đó định đoạt di sản của mình mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
a) Trường hợp thứ nhất: Người lập di chúc đã định đoạt hết tài sản của mình cho những người khác mà không có tên người thừa kế không phụ thuộc trong nội dung của di chúc.
b) Trường hợp thứ hai: Người lập di chúc truất quyền thừa kế của người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Hiệu lực của di chúc
Theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015:
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a. Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b. Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế, nếu di sản để lại tho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
2/ Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là trình tự phân chia di sản thừa kế của người đã chết cho những người còn sống theo điều kiện, trình tự hàng thừa kế.
Xác định diện những người thừa kế theo pháp luật dựa trên ba mỗi quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng là căn cứ xác định những người có quyền nhận di sản thừa kế. Đặc biệt, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các con ngoài giá thú của người để lại di sản.
Những trường hợp thừa kế theo pháp luật được áp dụng như sau:
1. Người chết không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp.
2. Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế.
3. Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau:
a. Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b. Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c. Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Diện và Hàng thừa kế theo pháp luật
Diện thừa kế theo pháp luật được xác định theo các quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng giữa người thừa kế với người để lại di sản khi còn sống. Người thuộc diện thừa kế theo pháp luật là người có một hoặc đồng thời có hai mối quan hệ với người để lại di sản trong phạm vi ba mối quan hệ và được thể hiện:
– Người thuộc diện thừa kế theo pháp luật có mối quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản;
– Hoặc người đó có mối quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản;
– Hoặc người đó có mối quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản.
Ba mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng giữa người để lại di sản và người thừa kế chỉ là những căn cứ xác định phạm vi những người thừa kế theo pháp luật.
Hàng thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm có ba hàng:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chêt mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Thừa kế thế vị
Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế thế vị: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
**/ Quyền thừa kế di sản của nhau giữa vợ và chồng
Về quyền thừa kế tài sản giữa vợ và chồng được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình. Tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì vợ chồng thuộc hàng thừa kế thứ nhất hưởng thừa kế theo pháp luật của nhau.
Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Vợ chồng là người được thừa kế di sản của nhau không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.Trong trường hợp vợ hoặc chồng lập di chúc truất quyền thừa kế của vợ hoặc chồng thì người vợ hoặc chồng vẫn được hưởng phần tối thiểu bằng 2/3 của một suất thừa kế chia theo pháp luật.
Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng
PGS.TS. Phùng Trung Tập
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận