POM: “Lao đao”
Công ty Cổ phần Thép Pomina (HoSE: POM) đã và đang ngày càng rơi vào tình trạng khó khăn, ghi nhận thua lỗ quý thứ 11 liên tiếp.
POM liên tục ghi nhận lỗ ròng.
Trước thực trạng nói trên, POM đã và đang đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Lỗ 11 quý liên tiếp
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, doanh thu của POM vẫn tăng trưởng 125% so với cùng kỳ năm trước, đạt 751 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh, khiến lợi nhuận gộp thu về chỉ còn 9,6 tỷ đồng, sụt giảm đến 56% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, chỉ riêng chi phí tài chính đã lên tới hơn 146 tỷ đồng. Kết quả, POM lỗ sau thuế hơn 199 tỷ đồng.
Đây đã là quý kinh doanh thứ 11 liên tiếp POM ghi nhận thua lỗ. Tính cả năm 2024, POM lỗ 991 tỷ đồng và ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp lỗ sau thuế. Từ năm 2022 đến nay, POM lỗ lớn với khoản lỗ mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, riêng năm 2023, POM lỗ 960 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên đến 2.601 tỷ đồng.
Lý giải việc tiếp tục thua lỗ trong thời gian qua, POM cho biết do nhà máy thép Pomina 3 và nhà máy thép Pomina 1 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu chi phí quản lý, chi phí lãi vay. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn nhất, dẫn tới doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ.
Để cứu vãn tình trạng thua lỗ, công ty này đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc nhằm có thể duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian sớm nhất.
“Gánh nặng” nợ vay
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của POM ở mức 9.903 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 2.519 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn chiếm đến 8.921 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của POM là 9.640 tỷ đồng, tăng thêm so với hơn 8.800 tỷ đồng đầu năm 2024. Khoản nợ phải trả này đang gấp đến 36 lần vốn chủ sở hữu của công ty.
Năm 2024, chi phí lãi vay của công ty này ở mức 663 tỷ đồng, tương đương việc mỗi ngày công ty thép này phải trả hơn 1,8 tỷ đồng tiền lãi.
Hiện nay, Ngân hàng BIDV Chi nhánh TP HCM và Vietinbank Chi nhánh TP HCM vẫn đang là 2 ngân hàng có dư nợ cho vay ngắn hạn lớn nhất đối với POM với dư nợ lần lượt là 1.687 tỷ đồng và 2.626 tỷ đồng. Bên cạnh đó, POM vay Đại Quang Minh 300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phần lớn tài sản của POM đang đọng lại ở chi phí xây dựng dở dang cho dự án lò cao và lò EAF (thuộc nhà máy POM 3) với giá trị 5.723 tỷ đồng. Đây là dự án luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại KCN Phú Mỹ.
Do nợ vay và liên tục thua lỗ, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã quyết định sẽ huỷ niêm yết bắt buộc gần 280 triệu cổ phiếu POM trên sàn HoSE từ ngày 10/5/2024. Lý do hủy niêm yết là vì POM chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán trong 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.
Đến phiên giao dịch 25/3, cổ phiếu POM chỉ còn 2.000 đồng/cp, giao dịch dưới giá trị sổ sách và thuộc cổ phiếu có thị giá thấp nhất trong ngành.
Thách thức tái cấu trúc
Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh ngày càng khó khăn và liên tục thua lỗ trong các năm qua, POM đã và đang bắt đầu có những động thái tái cấu trúc hoạt động, đặc biệt hợp tác với đối tác ngoại để vực dậy hoạt động của mình.
POM đã có thông báo chính thức ký kết đầu tư với đối tác Nhật. Cụ thể, tại Nhà máy Pomina 2 Phú Mỹ đã triển khai Hợp đồng Hợp tác đầu tư với đối tác chiến lược là Công ty Thép Nansei Nhật Bản. Đây cũng là bước tiến cho chiến lược tái cấu trúc toàn diện của POM.
Theo hợp đồng, Nansei sẽ cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho Nhà máy Pomina 2 vận hành công suất tối đa. Mô hình hợp tác giữa hai công ty tập trung vào tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến thị trường giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của POM.
Tại POM, việc chính thức hợp tác đầu tư với Nansei được ví như “làn gió mới” góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp này ổn định sản xuất trong bối cảnh khó khăn thua lỗ chồng chất, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày tăng của thị trường thép khi ngành bất động sản trong nước hồi phục.
Song song với việc hợp tác đầu tư với Nansei, POM cũng đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025. Hiện nay, POM chưa công bố cụ thể kế hoạch hợp tác này. Tuy nhiên, đại diện của POM cho biết những động thái này nhằm đón đầu nhu cầu đang gia tăng của thị trường xây dựng cũng như bất động sản, khi các dự án đầu tư công và hạ tầng dự kiến sẽ bùng nổ trở lại.
Mặc dù vậy, thị trường thép Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thị trường thép hiện nay biến động và tiềm ẩn nhiều khó khăn, triển vọng thị trường thép trong quý II và quý III/2025 còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, thị trường thép Việt Nam chịu tác động mạnh bởi thị trường thépTrung Quốc. Trong bối cảnh ngành bất động sản Trung Quốc đang “đóng băng”, tồn kho thép Trung Quốc ở mức cao nên các nhà sản xuất thép nước này đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong khi đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nước ta nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn sắt thép các loại từ Trung Quốc mỗi năm. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép ở trong nước ta yếu, tình hình bất động sản chưa khởi động trở lại, thép giá rẻ của Trung Quốc tràn vào, sẽ gây áp lực lớn đối với thép nội địa. Đây chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp thép trong nước nói chung và POM nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc tái cấu trúc sẽ là thách thức rất lớn đối với POM trong bối cảnh hiện nay.
– 991 tỷ đồng là khoản lỗ sau thuế năm 2024 của POM. Đây là năm thứ 3 liên tiếp POM ghi nhận thua lỗ.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận