Quảng Ninh thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu
Hoạt động xuất nhập khẩu và các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Tính đến ngày 15/12/2024, tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn đạt hơn 17.200 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 3 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích hơn 144 ha gồm Móng Cái, Hoành Mô – Ðồng Văn và Bắc Phong Sinh. Trong đó, Móng Cái là một trong các khu kinh tế (KKT) cửa khẩu có quy mô lớn của cả nước, được xác định là khu vực động lực, trọng điểm quốc gia. KKT Cửa khẩu Móng Cái đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí, với nhiều phương thức kết nối với thị trường Trung Quốc thông qua hệ thống cửa khẩu, cầu bắc qua sông, cảng bến, thương mại biên giới… Đến nay KKT Cửa khẩu Móng Cái đã thu hút hơn 120 dự án, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD và gần 24.000 tỷ VND, hiện thu NSNN đứng đầu của tỉnh Quảng Ninh, ước cả năm đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết: Địa phương phấn đấu xây dựng, phát triển KKT Cửa khẩu Móng Cái trở thành KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp, cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 đạt hơn 18 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023)
“Thời gian qua, chúng tôi đã tập trung hoàn thành các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chiến lược kinh tế cửa khẩu Móng Cái, các quy hoạch phân khu và chi tiết, từ đó xác định 3 trụ cột trong phát triển kinh tế, lấy kinh tế biên mậu, dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển logistics là trụ cột để chi phối các ngành kinh tế khác.
Chúng tôi tập trung thu hút các nhà đầu tư với chủ trương là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, dùng ngân sách để đầu tư các hạ tầng cốt lõi, hạ tầng chiến lược, ví dụ như cao tốc, hạ tầng đô thị, cửa khẩu, giao thông… để hoàn thiện, mời gọi các nhà đầu tư vào phát triển khu công nghiệp, bến bãi, kho ngoại quan, các dịch vụ khu vực cửa khẩu” – ông Hoàng Bá Nam nói.
Trong thời gian qua, các khu kinh tế cửa khẩu tại Quảng Ninh đang được khai thác hợp lý, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực. Địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng phụ trợ tại các cửa khẩu, phát triển hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế qua khu kinh tế cửa khẩu.
Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng phụ trợ tại các cửa khẩu, phát triển hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế qua khu kinh tế cửa khẩu
Ông Trịnh Văn Nhuận, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tính đến ngày 15/12/2024 đạt hơn 17.200 tỷ đồng, tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2023 và bằnh 138% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao.
“Năm nay, số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng rất nhiều so với năm ngoái, có gần 2.000 doanh nghiệp. Chúng tôi tiếp tục triển khai phần mềm theo dõi đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ công chức, qua theo dõi doanh nghiệp đánh giá rất cao, khoảng 98-99% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng phục vụ của cán bộ công chức Hải quan, đây là yếu tố quyết định đẫn đến việc thu hút doanh nghiệp qua địa bàn, góp phần giúp kim ngạch, lượng mở tờ khai tăng” – Ông Trịnh Văn Nhuận nói.
Với những giải pháp đồng bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 đạt hơn 18 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023). Các Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thúc đẩy giao lưu, thương mại hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc.
Duy Thái/VOV-Đông Bắc
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận