Quốc gia xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu rối ren, bồi thêm rủi ro ‘cú sốc’ năng lượng cho EU
Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng ngày càng tăng khi Pháp có thể hạn chế xuất khẩu điện trong bối cảnh chính trị rối ren tại nước này.
Giá khí đốt tự nhiên và điện ở châu Âu tăng trở lại khi mùa đông bắt đầu, làm dấy lên ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng mới. Sự bất ổn chính trị ở Pháp – quốc gia xuất khẩu điện hàng đầu châu Âu và nền kinh tế lớn thứ 2 EU – góp phần khiến nỗi lo gia tăng.
Nhà phân tích thị trường Gavin Maguire của Reuters cho rằng một cuộc khủng hoảng của chính phủ Pháp có thể dẫn đến sự sụt giảm trong xuất khẩu điện từ Pháp sang các thị trường liên kết của nước này, bao gồm Đức và Ý.
Đây sẽ là một cú sốc năng lượng nữa đối với thị trường châu Âu, nơi đang phải vật lộn với giá điện và khí đốt tự nhiên tăng cao trong những tuần gần đây.
Theo Maguire của Reuters, thâm hụt ngân sách gia tăng và khả năng “rỗng” ngân sách cho năm 2025 có thể khiến các chính trị gia ở Pháp tìm cách hạn chế xuất khẩu điện.
Xét đến việc Pháp là nước xuất khẩu điện hàng đầu châu Âu, điều này sẽ tác động đến thị trường điện và giá điện trên khắp châu lục này.
Các nhà phân tích của ING cho biết tuần trước rằng sau khi chính phủ sụp đổ, mọi sự cải thiện về tài chính công của Pháp sẽ bị hoãn lại cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Trong cuộc họp báo bán niên về thị trường năng lượng châu Âu hồi tháng 9, công ty năng lượng Engie cho biết: “Nhờ sản lượng điện hạt nhân và thủy điện lớn, Pháp đã xuất khẩu lượng điện kỷ lục sang các nước láng giềng trong năm nay”.
Nhu cầu điện ở Pháp vẫn thấp hơn mức năm 2020, một phần là do sản lượng công nghiệp và khả năng cạnh tranh giảm, cùng với hành vi tiết kiệm năng lượng của người dùng, Engie cho biết, đồng thời lưu ý rằng nhu cầu phục hồi nhanh hơn ở Đức, Anh, Bỉ và Hà Lan.
Theo dữ liệu từ công ty điều hành lưới điện RTE của Pháp, xuất khẩu điện ròng của Pháp sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024 do việc bảo trì nhiều lò phản ứng hạt nhân đã hòan tất và sản lượng thủy điện đã phục hồi.
Tuy nhiên, tình hình bất ổn chính trị tại quốc gia xuất khẩu điện ròng lớn nhất châu Âu khiến thị trường điện khu vực càng thêm lo lắng.
Ngành công nghiệp của châu Âu sẽ tiếp tục mất đi sức cạnh tranh vì giá năng lượng cao, giá khí đốt tự nhiên tăng và rủi ro về nguồn cung khí đốt vào mùa đông năm nay.
Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu đang dao động quanh mức cao nhất trong 1 năm bởi đợt giá lạnh vào tháng 11 đã dập tắt hy vọng về một mùa đông ôn hòa trong năm thứ 3 tiên tiếp.
Trong những tuần gần đây, dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu vơi ở tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2016 do nhu cầu tăng khi trời lạnh hơn.
Châu Âu cũng đối mặt với việc mất đi nguồn cung khí đốt đường ống của Nga qua Ukraine khi kết thúc năm nay.
Các nhà phân tích và lãnh đạo trong ngành công nghiệp cho biết mùa đông năm nay có thể gây thêm khó khăn cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và buộc phải cắt giảm sản lượng.
Chi phí năng lượng cao ở châu Âu đang khiến các ngành công nghiệp của châu lục gặp bất lợi so với Mỹ, châu Á hoặc Trung Đông.
Theo Oilprice
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận