“Quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 564 tỷ USD vào năm 2027, nguồn lực để đầu tư đường sắt tốc độ cao không còn là trở ngại lớn”
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy tại phiên họp toàn thể lần thứ 20 thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, vừa diễn ra.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021- 2030 đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược; quan tâm đúng mực đến hạ tầng đường sắt, trong đó có triển khai một số đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam để kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng hàng không, cảng biển.
Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy tại phiên họp này cho biết, bối cảnh hiện nay, với nhu cầu vận tải ngày một tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp, dự kiến đến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, với quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 564 tỷ USD, nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là cần thiết nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, triển khai các quy hoạch tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao như nhiều quốc gia trên thế giới. Việc xây dựng tuyến đường sắt này cũng giúp tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, tái cấu trúc mô hình phân bố dân cư, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường khi đưa vào vận hành sẽ đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics, tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việc đầu tư Dự án phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã được Đảng, Quốc hội thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng đường sắt; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.
Tại phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu đóng góp thêm nhiều ý kiến về việc phân bổ nhu cầu vận tải đối với các phương thức vận tải trên hành lang Bắc – Nam, hiệu quả kinh tế xã hội của Dự án đối với các địa phương có tuyến đường đi qua cùng các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến về các dự báo doanh thu, tăng trưởng doanh thu, phương án tài chính của dự án, so sánh với các tuyến tương tự, đối chiếu với kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, đưa ra các giải pháp đảm bảo hiệu quả trong triển khai Dự án.
Các đại biểu cũng thảo luận về phương án đầu tư với các nội dung cụ thể như: quy mô đầu tư, phương án khai thác, hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, vấn đề áp dụng công nghệ, làm chủ công nghệ… để hoàn thiện phương án đầu tư bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, một số ý kiến của các đại biểu còn băn khoăn khi cả nước đã đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc trên cả nước còn đang gặp nhiều khó khăn. Đối với dự án đường sắt tốc độ cao, phải tiếp cận công nghệ hoàn toàn mới, phức tạp, cần có phương pháp triển khai hợp lý để đạt hiệu quả tối ưu. Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp đường sắt, mô hình vận tải doanh nghiệp, sự kết nối của tuyến đường với hệ thống đường đô thị, cơ chế, chính sách đặc thù triển khai thực hiện dự án… cũng là các vấn đề đặt ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến bày tỏ đồng thuận với nhiều nội dung trong Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, hồ sơ của Chính phủ đã được chuẩn bị tương đối công phu, kỹ lưỡng.
“Các ý kiến sẽ được tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện báo cáo thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong thời gian tới”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận