Rà soát toàn diện, đẩy nhanh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công
Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần rà soát toàn diện các quy định pháp luật, cơ chế thanh toán và tăng cường phân cấp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ tài chính nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát toàn diện từ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước cho đến cơ chế thanh toán, nhằm đảm bảo sự thông thoáng. Trong hình là dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh tại Cao Bằng. Ảnh minh họa: Tân Văn
Chiều 3.4, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2025. Thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sau câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động, đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến cuối quý I/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 9,53% so với kế hoạch năm.
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân. Trước hết là những hạn chế, tồn tại trong cơ chế, chính sách – đặc biệt là các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát, trình cơ quan thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai thực tế.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, rà soát lại, có những dự án dù đã hoàn tất bước chuẩn bị nhưng kiểm tra lại phát hiện không còn hiệu quả, buộc phải dừng triển khai – điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả giải ngân.
Nguyên nhân thứ ba là do một số địa phương vẫn chưa phân bổ được nguồn thu ngân sách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công, trong khi năm 2025 đặt ra yêu cầu đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 Tổ công tác do 7 Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, với nhiệm vụ trực tiếp làm việc với địa phương, bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc phát sinh. Bộ Tài chính cũng sẽ tổng hợp các khó khăn, báo cáo đầy đủ tới các tổ công tác trong thời gian tới.
Làm rõ thêm vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, nếu muốn đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, cần tiếp tục rà soát toàn diện từ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước cho đến cơ chế thanh toán, nhằm đảm bảo sự thông thoáng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, có những dự án dù đã hoàn tất bước chuẩn bị nhưng khi rà soát lại, phát hiện không còn hiệu quả, buộc phải dừng triển khai – điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đang quyết liệt tháo gỡ khó khăn, bởi đầu tư công vẫn là một trong những trụ cột then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 25.3.2025, theo tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương có báo cáo, có 1.533 dự án (gồm 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư – PPP) đang gặp khó khăn, vướng mắc.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận